Bài 2 đã viết về sự trợ giúp và nguồn việc làm. Bài này viết về việc sẽ làm gì tiếp theo sau khi đã có thông tin tuyển nhân sự từ các công ty, nghĩa là bài này nói về chuẩn bị resume và letter of job application của bạn.

Tìm việc ở canada khó hay dễ ” Viết Resume” Phần 3 - 0

Resume – công thức viết

Tôi phải dùng từ công thức để nhấn mạnh ý bạn không thể muốn viết sao thì viết, hoặc đơn giản copy một mẫu resume từ trên mạng rồi sửa thông tin và nghĩ là mình đã có một resume chất lượng.

Viết resume là một công đoạn cần đầu tư thời gian nhiều nhất, suy nghĩ sâu sắc nhất nhằm làm sao thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng trong một cái tích tắc liếc mắt đầu tiên. Là người có kinh nghiệm trên 15 năm trong việc tuyển dụng, từng phỏng vấn cả ngàn người, tôi cam đoan với bạn rằng cái tích tắc liếc mắt đó quyết định việc resume của bạn được để sang một bên giữ lại hay sẽ vào… thùng rác. Thực sự việc này không hề khó vì nó đã có công thức.

Ở Việt Nam tôi nhận resume xin việc và thấy không có cái nào giống cái nào, format lung tung, độ dài lung tung, cấu trúc lung tung, nói chung là không có cái chuẩn nào cả. Cá biệt tôi đã từng nhận một resume dài 12 trang A4 – Không, bạn không đọc lầm đâu, không phài là 1-2 trang mà là 12 trang đó. Nhiều ứng viên nghĩ càng viết dài thì resume của mình càng có giá trị, thể hiện mình có rất nhiều kinh nghiệm, và thế là họ copy một đoạn kinh nghiệm từ vị trí này rồi paste sang vị trí khác mà không thèm sửa dù chỉ một chữ.

Họ nghĩ với cái chức danh to tát của mình thì độ dài resume như thế mới xứng đáng. Họ lầm vì nói thật lòng không một recruiter nào có thời gian đọc từng ấy trang giấy. Ở Canada và Mỹ, recruiter nhận hàng trăm resume cho một vị trí cho nên khi lọc hồ sơ, họ có 5 giây cho mỗi cái. Cái họ lọc đầu tiên là những resume không đúng chuẩn vì nó thể hiện ứng viên không có Canadian Experience, một lối nói né tránh cho sự kỳ thị. Những resume không đúng chuẩn này tiết lộ ứng viên là một new comer, chẳng biết gì về Canada cả và do đó không hề có một cơ hội nào dù là nhỏ nhất. Vậy resume đúng chuẩn phải như thế nào?

Một là độ dài. Chuẩn ở Canada là 2 trang đầy giấy khổ letter, in một mặt; còn ở Mỹ là 1 trang. Chỉ cần bạn sai chuẩn này là hồ sơ bạn bị loại ngay lập tức. Bạn hỏi làm sao 20 năm kinh nghiệm làm việc của tôi có thể co lại trong 1-2 trang giấy. Câu trả lời: đó là việc của bạn. Bạn phải làm được điều đó hoặc bạn ra ngoài cuộc chơi. Vậy mới nói viết resume là một công đoạn cần đầu tư thời gian nhiều nhất và phải suy nghĩ sâu sắc nhất.

Hai là cấu trúc. Resume của bạn phải viết thành từng tiêu đề và theo thứ tự sau: thông tin cá nhân, mục đích, những điểm nổi bật về bạn, kinh nghiệm làm việc, học vấn, và references. Recruiter đọc rất nhanh vào những điểm nổi bật về bạn nên nó phải ở trang nhất và ở phía trên của trang giấy, điểm dễ đập vào mắt nhất. Đừng ngần ngại “khoe khoang” thành tích của mình. Sự khiêm tốn để dành vào lúc khác, nơi khác. Xét cho cùng với một người xa lạ thì không khoe làm sao họ biết mình. Câu thành ngữ “xấu che, tốt khoe” có tác dụng ở đây. Còn khi viết về kinh nghiệm, bạn phải bắt đầu bằng một động từ, dùng thì quá khứ cho những công việc đã qua và thì hiện tại cho những công việc đang làm. Ví dụ: “met 8 potentail clients a week to sign contracts” hoặc “designs 5 office layouts a month”. Chắc bạn cũng chú ý những con số 8 và 5, những con số định lượng này bắt buộc phải có, nếu không làm sao nhà tuyển dụng biết bạn gặp 8 hay 1 khách hàng mỗi tuần hay thiết kế 1 hay 5 bản vẽ mỗi tháng. Tư duy logic của người Âu Mỹ khiến họ quan tâm đặc biệt đến các con số. Bạn phải lượng hóa mọi hoạt động của mình.

Ba là format. Kiểu chữ phải là những kiểu dễ nhìn, chuyên nghiệp theo cách văn phòng hay dùng. Nói như thế có nghĩa là giới hạn từ hàng chục kiểu chữ xuống còn vài cái, hay dùng nhất là Arial và Time New Roman. Còn co (size) chữ chuẩn là 12, trừ tên bạn ở ngay đầu trang là 16. Biên trang giấy (margin) khoảng 2.5 cm cho cả 4 cạnh giấy (trên, dưới, trái và phải). Trừ thông tin cá nhân và các tiêu đề là viết hoa và căn giữa, các dòng còn lại đều viết thường và căn trái (không căn đều hai bên trái phải).

Ba việc trên tạm gọi là giúp bạn qua ải cái liếc mắt đầu tiên. Việc resume của bạn được chọn mời phỏng vấn hay không tùy thuộc vào chất lượng của nó. Việc này tôi sẽ bàn vào kỳ sau kèm với vài resume mẫu để bạn tham khảo.

Theo: Dương Xuân Giao

Series: Tìm việc ở canada khó hay dễ

Tìm việc ở canada khó hay dễ: “Thay đổi chính mình” Phần 1

Tìm việc ở canada khó hay dễ: “Tìm sự hỗ trợ và tìm nguồn công việc” Phần 2

Tìm việc ở canada khó hay dễ ” Viết Resume” Phần 3

Tìm việc ở Canada khó hay dễ “Viết Resume” P4

Tìm việc ở Canada khó hay dễ “Thư xin việc” Phần 5

Tìm việc ở Canada khó hay dễ “Chuẩn bị khi đi phỏng vấn” Phần 6


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài


Deprecated: htmlspecialchars(): Passing null to parameter #1 ($string) of type string is deprecated in /var/www/vhosts/tapchicanada.com/httpdocs/modules/mod_search/mod_search.php on line 44