Ở bài trước cúng tôi đã nói về việc thay đổi nhận thức khi đi tìm việc. Bài này viết về tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau.

Tìm việc ở canada khó hay dễ: “Tìm sự hỗ trợ và tìm nguồn công việc” Phần 2 - 0

Chính phủ Canada có nhiều cách hỗ trợ di dân tìm kiếm công việc đầu tiên của mình trên xứ lá phong này. Trang web chính phủ này giúp di dân mới đến có những sự trợ giúp cần thiết. http://www.cic.gc.ca/english/newcomers/services/

Nhưng chính phủ không ôm đồm, đa phần họ tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận để các tổ chức này cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Dưới đây chỉ nói về các chương trình của tỉnh bang Ontario, các tỉnh bang khác có thể có các chương trình tương tự.

Có nhiều tổ chức phi lợi nhuận như thế ở Toronto. Những nơi có tên tuổi, uy tín là YMCA, Costi, JVS, ACCES, v.v… Ngay khi đến Canada, bạn hãy đăng ký với một hoặc vài tổ chức này. Các khóa Orientation của họ giúp bạn có được những thông tin hữu ích như nguồn việc làm, cách thức tìm việc, văn hóa công ty Canada… Họ cũng cung cấp những khóa học tiếng Anh và tiếng Pháp từ mức độ giao tiếp xã hội đến chuyên ngành. Tất cả các dịch vụ đều miễn phí cho new comers. Không chỉ vậy, họ còn gửi bạn đi thi tiếng Anh CLB (Canadian Language Benchmark) miễn phí. Bạn cần có điểm số này cho nhiều việc sau này.

Một việc cần làm khác là quy đổi bằng cấp của bạn để nó được công nhận tại Canada. Có hai tổ chức giúp bạn làm việc này: WES và ICAS. Thường thì bạn phải trả phí dịch vụ nhưng nếu bạn được giới thiệu đến từ một tổ chức hỗ trợ di dân thì chính phủ sẽ trả số tiền này cho bạn.

https://www.wes.org/ca/

https://www.icascanada.ca/home.aspx

Tiếp theo nên tìm những “Bridging programs” cho các nhóm ngành nghề khác nhau. Những chương trình này được thiết kế để giúp new comers sau một khóa học thường từ 6-12 tháng có được một công việc theo đúng nghề trước đây mình làm. Chú ý là chương trình có giới hạn thời gian cho những người mới đến, do vậy bạn cần đăng ký ngay khi đặt chân đến Canada. Các chương trình này thường có kết nối với các công ty tuyển dụng nên bạn có thể đi thực tập, volunteer và rồi có một công việc ổn định.

http://www.ontarioimmigration.ca/en/working/OI_BRIDGE.html

Một chương trình không thể bỏ qua là TRIEC. Chương trình này kết nối bạn với một người hướng dẫn (Mentor) hiện đang làm đúng nghể của bạn và muốn giúp bạn. Người này sẽ làm việc với bạn trong một khoảng thời gian xác định trước, cho bạn những lới khuyên quý giá và hướng dẫn bạn từng bước một để bạn tìm được việc làm theo nghề cũ của mình. TRIEC có kết nối mạnh với các công ty tuyển dụng, nhiều new comers đi theo chương trình này và cuối cùng có được công việc mình mong muốn.

http://triec.ca/

Nguồn tìm việc khác đến từ các job boards. Có rất nhiều trang web chuyên tuyển dụng như thế ở Canada, phân chia thành hai loại: chung và chuyên ngành (ví dụ trang web chuyên tuyển kế toán – kiểm toán). Khi đang học lấy bằng Job Developer, tôi từng giữ một danh sách các trang web này dài đến 2 trang A4, in 2 mặt. Bây giờ muốn tìm phải lục lại hơi mất thời gian. Khi nào tìm thấy sẽ post lên đây để bạn nào có quan tâm sử dụng. Thêm nữa, những công ty nhỏ thường đăng quảng cáo tìm việc trên.

Và tại sao không, bạn có một công ty mơ ước trong đầu, hãy vào thẳng trang web công ty đó, tìm mục “Career” hoặc “Job” mà xem các công việc họ đang tuyển. Và đừng chỉ nghĩ công ty mới có jobs. Chính phủ Canada là nhà tuyển dụng lớn nhất ở đây. Jobs chính phủ là niềm mơ ước của nhiều người, ngay cả dân sinh ra ở xứ này.

Nhưng nói ra có thể bạn không ngờ. Sự thực jobs quảng cáo ra chỉ là phần nổi của tảng băng. Phần chìm lớn hơn gấp nhiều lần là jobs không công bố (hidden jobs). Bạn chỉ có thể tiếp cận loại job này bằng quan hệ cá nhân. Vậy nên mới có câu “It doesn’t matter what you know, it matters who you know”. Khi đi tìm việc ở Bắc Mỹ (bao gồm cả Canada và Mỹ), bạn sẽ nhiều lần nghe nói về tầm quan trọng của networking. Bạn sẽ được khuyến khích tham gia các network events. Đó không gì khác hơn sự thiết lập các mối quan hệ cá nhân. Người ta nói 9/10 người tìm job được thông qua con đường này, kiểu “Đây là con của chú của thằng bạn em”. Dù chưa tin lắm về con số 9/10, tôi nghĩ đó là một sự thật không thể chối cãi. Deal with it.

Theo: Dương Xuân Giao

Series: Tìm việc ở canada khó hay dễ

Tìm việc ở canada khó hay dễ: “Thay đổi chính mình” Phần 1

Tìm việc ở canada khó hay dễ: “Tìm sự hỗ trợ và tìm nguồn công việc” Phần 2

Tìm việc ở canada khó hay dễ ” Viết Resume” Phần 3

Tìm việc ở Canada khó hay dễ “Viết Resume” P4

Tìm việc ở Canada khó hay dễ “Thư xin việc” Phần 5

Tìm việc ở Canada khó hay dễ “Chuẩn bị khi đi phỏng vấn” Phần 6


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài


Deprecated: htmlspecialchars(): Passing null to parameter #1 ($string) of type string is deprecated in /var/www/vhosts/tapchicanada.com/httpdocs/modules/mod_search/mod_search.php on line 44