Câu chuyện sinh em bé ở Toronto – Canada

Tinh hình là dạo gần đây mình có sinh em bé tại canada. Đùa chứ định viết bài này chia sẻ kinh nghiệm cho các chị em lâu rồi mà v ật l ộn với con mệt sấp mặt không có tâm trí đâu mà viết. Thôi thì hôm nay nhân dịp trời đẹp, ấm áp, nhiệt độ lên 2 con số dương, mình sẽ ráng rà lại trí nhớ tồi tệ (nay càng tồi tệ hơn sau khi sinh em bé) để chia sẻ lại kỷ niệm mang bầu và sinh em bé tại Canada cho mọi người đọc giải trí nha.

1. Chi phí:

Trước giờ số mình không phải xui cũng không phải hên. Nhưng mình phải công nhận mình có bầu bé Mel hên quá là hên. Trước tiên phải kể sơ tình hình của mình hồi mới mang bầu. Mình lúc đó đang là sinh viên khoá post grad, còn 4 tháng nữa mới học xong. Lúc đấy may mắn có việc làm part time là làm thông dịch viên qua điện thoại, làm tại nhà, 20 tiếng/tuần.

425 1 Kinh Nghiem Sinh De O Canada Voi Chi Phi Khong Dong Du Chua Co The Ohip

Ảnh: MichellePham – Hội du học sinh Toronto 

2 vợ chồng lúc ấy chưa có pr hay gì cả, chỉ là sinh viên thôi. Chuyện này cũng đồng nghĩa với việc mình không có OHIP (thẻ khám chữa bệnh miễn phí của bang Ontario), muốn sinh em bé tại Canada mình sẽ phải chịu toàn bộ chi phí khoảng 13-15k gì đó, có khi còn mắc hơn nhiều nếu có gì phức tạp trong quá trình sinh em bé. Trong lúc đang méo sệch miệng vì tiếc tiền thì mình sực nhớ ra mình có bảo hiểm sinh viên và mình có đọc đâu đó trong cái hợp đồng bảo hiểm là có cover cho bầu bì sinh đẻ. Mình gọi ngay cho công ty bảo hiểm để check lại thì được họ confirm là chính xác là họ có cover, với điều kiện mình có thai sau ngày hợp đồng có hiệu lực và sinh em bé trước ngày bảo hiểm hết hạn. And guess what, mình rơi đúng vào khoảng đó luôn. Cái này ông bà ta gọi là “chó ngáp phải ruồi” có đúng không ta? Hay là “ch ết đuối vớ được cọc”? Mà chắc là “ở hiền gặp lành” đó các mẹ ahihi. Thôi muốn gọi là gì thì gọi, mình bầu free đẻ free là được rồi.

2. OBGYN (bác sĩ sản):

Bước đầu tiên sau khi biết mình có bầu ở Canada là đến một walking clinic bất kỳ để gặp bác sĩ. Đối với trường hợp người có bác sĩ gia đình (family doctor) thì sẽ đến gặp trực tiếp bác sĩ đó, mình không có nên mình đến đại walking clinic thôi. Bác sĩ ở walking clinic đó sẽ liên lạc với các bác sĩ OBGYN (bác sĩ sản) trong vùng để xem bác sĩ nào available sẽ nhận khám cho mình. Sau khi có obgyn nhận mình rồi, obgyn đó sẽ theo mình từ đầu cho tới lúc mình sinh em bé xong.

Thế là mình được giới thiệu đến bác sĩ Anita Mo, bác sĩ người Canada gốc á. Bác sĩ rất dễ thương nhưng mỗi lần gặp bác mình phải đợi rất lâu mặc dù đã hẹn trước (tầm 45’ tới 1 tiếng) và thời gian gặp bác sĩ chỉ được khoảng 5’. Trong 5’ đó bác sĩ sẽ xem kết quả xét nghiệm máu, siêu âm của mình, đưa ra kết luận của bác sĩ, dặn mình đi xét nghiệm hoặc siêu âm tiếp, hẹn thời gian gặp tiếp theo, và hỏi mình có câu hỏi gì không. Mình thì có bầu lần đầu, mình không biết mình không biết cái gì (i dont know what i dont know) nên chỉ hỏi được vài câu hỏi như có đc ăn sushi không, có được nằm ngửa để ngủ không. Bác sĩ chả thấy khuyên gì, chỉ thấy quan tâm kết quả xét nghiệm thôi, làm mình hoang mang tột độ các mẹ ạ.

Sau này sau khi đổi sang obgyn khác (tí nữa mình đi vào chi tiết), một obgyn xịn xò, kinh nghiệm đầy mình và thêm nhiều kinh nghiệm đưa Mel đi khám bác sĩ gia đình thì mình mới nhận ra rằng à thì ra bác sĩ bên canada không có nhiều thời gian để spend với bệnh nhân như ở việt nam. Bác sĩ chỉ có tầm 5-10’ để tiếp 1 bệnh nhân thôi và bác sĩ sẽ dựa trên kết quả xét nghiệm để tư vấn cho bệnh nhân. Còn những cái có bầu cần lưu ý gì, ăn gì, ngủ như thế nào bệnh nhân phải tự google lấy mà biết chứ bs không dặn, hỏi thì bs trả lời thôi. Vậy mới biết ra là đi đẻ ở Canada các mẹ phải tự thân tự tìm hiểu kiến thức về sinh sản lắm nhé chứ không ngồi không rồi đợi người ta đổ kiến thức lên đầu mình được đâu.

3. Bệnh viện:

425 2 Kinh Nghiem Sinh De O Canada Voi Chi Phi Khong Dong Du Chua Co The Ohip

Ảnh: MichellePham – Hội du học sinh Toronto 

Nói về tìm hiểu, mình cũng có tìm hiểu bệnh viện nào sinh em bé tốt nhất toronto, và bệnh viện nào tệ nhất. Nhưng mình lại không hề biết hệ thống ệnh viện và bác sĩ bên này như thế nào. Mình cứ tưởng giống như ở Việt Nam mình chọn bác sĩ rồi mình chọn bệnh viện, rồi đến lúc mình đẻ bác sĩ của mình sẽ chạy tới bệnh viện của mình chọn để đỡ đẻ cho mình cơ. Hoá ra là không hề nha các bạn. Mỗi bác sĩ lại đỡ đẻ ở 1 bệnh viện khác nhau (1 và chỉ 1 duy nhất). Obgyn của bạn làm với bvệnh viện nào thì bạn phải đăng ký sinh ở bệnh viện đó. Và cũng không có chuyện lúc bạn sinh thì obgyn của bạn chạy vào đỡ cho bạn đâu. Bất kì obgyn nào đang trực tại bệnh viện lúc đó sẽ đỡ đẻ cho bạn. Lúc đầu mình thấy lạ nhưng sống ở Canada lâu rồi mình mới hiểu ra triết lý sâu xa của những điều như vậy. Ở Canada, mọi người đều bình đẳng, ai cũng được hưởng những chế độ như nhau không kể giàu nghèo, obgyn nào trong ca trực cũng đều có đủ khả năng & kinh nghiệm để đỡ đẻ cho bạn.

Sau khi hiểu ra cái hệ thống ở trên thì mình mới phát hiện ra là obgyn của mình làm việc ở một trong những cái bệnh viện ít tốt nhất ở toronto. Ok mình biết là mình mới nói ở Canada bác sĩ nào cũng đủ giỏi để đỡ đẻ cho mình, nhưng mà bệnh viện thì cũng có bệnh viện dịch vụ tốt, có bệnh viện dịch vụ tệ chứ bộ :)). Lúc này thì may 1 cái là mình có bảo hiểm chứ không phải OHIP. OHIP thì nhà bạn ở đâu bạn sẽ được giới thiệu tới obgyn ở khu vực đó. Còn bảo hiểm thì bạn muốn đẻ ở đâu cũng được vì công ty bảo hiểm trả tiền cho bạn. Vậy thế nên là dù nhà mình lúc đó ở tít Scarborough (kiểu như huyện Hóc Môn, Củ Chi gì đó ở Sài Gòn), nơi có cái bệnh viện ít tốt nhất Toronto, nhưng mình lại sinh em bé ở bệnh viện St. Michael – 1 trong 3 bv tốt nhất Toronto, ngay giữa Downtown (kiểu quận 1 đồ) và không tốn 1 xu nào.

Để sinh em bé ở bệnh viện St. Michael, bạn chỉ cần gọi điện lên nói bạn muốn sinh em bé ở đó và trả cash, bệnh viện sẽ hẹn gặp bạn và hướng dẫn cụ thể. Bạn sẽ phải đóng 1 khoản deposit khoảng 15k trước cho bệnh viện, khoản này sau khi bạn sinh xong và rời bệnh viện, bệnh viện sẽ trừ đi hết các chi phí của bạn với bệnh viện và trả lại cho bạn phần dư nếu có. Sau đó bạn cầm biên lai đi claim lại với bảo hiểm (nếu có). Để sinh em bé ở bệnh viện st. Michael thì mình cũng phải khám thai với OBGYN của st. Michael luôn.

Dịch vụ ở đây muôn phần tốt hơn chỗ obgyn cũ mà mình đi. Lễ tân, y tá, bác sĩ đều niềm nở, khác xa bà lễ tân ở obgyn cũ mặt như đ âm lê. Họ cũng có luôn cả khu vực siêu âm và thử máu tại phòng khám. Thường các phòng khám obgyn khác không có siêu âm và thử máu mà bạn phải ra dịch vụ bên ngoài ở chỗ khác khám và cầm kết quả về. Mình cũng ko phải chờ lâu để gặp bác sĩ, chỉ chờ khoảng dưới 15’ nên không mất thời gian của mình. Chỉ có điều giá cả cũng phản ánh dịch vụ tốt. Mỗi lần khám thai của mình tốn $300+, mình nói luôn để các bạn nào không có OHIP hay bảo hiểm biết trước để dự trù chi phí.

Ngoài St. Michael ra thì còn bệnh viện Mount Sinai và Sunnybrook cũng rất tốt để sinh em bé nha các bạn.

4. Đi đẻ:

Lúc mình bầu 38 tuần (37 tuần là full term rồi, sau 37 tuần thì em bé có thể ra đời bất kì lúc nào) thì em bé mình được bác sĩ chẩn đoán (dựa vào kết quả siêu âm) là hơi nhỏ so với em bé bình thường. Bác sĩ bảo không lo lắng lắm vì mình là người châu á, mình nhỏ con, chồng mình cũng không to con thì em bé nhỏ hơn trung bình ở canada cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên bác sĩ phải đưa ra kết luận và quyết định đúng chuyên môn là cho em bé ra sớm để nuôi em bé bằng sữa mẹ vì vẫn có khả năng em bé nhỏ vì không hấp thụ được chất từ mẹ qua dây rốn nữa. Vì vậy, ở tuần thứ 38, bác sĩ đặt hẹn cho mình vào bệnh viện chích thuốc kích sinh để đẻ.

Nghe thì sợ, nhưng nhìn lại thì mình nghĩ có khi như vậy cũng có cái hay. Mình không phải hồi hộp chờ chuyển dạ rồi cuống quýt chạy vào bệnh viện, mình chỉ cần đúng ngày đúng giờ khăn gói quả mướp vào bệnh viện, hết sức bình tĩnh và khoan thai. Vào đến nơi bác sĩ khám cho mình, đặt bóng cho nở tử cung, tử cung nở được 3cm thì bắt đầu truyền thuốc kích sinh. Toàn bộ quá trình từ lúc mình vào bệnh viện cho đến lúc mình sinh em bé tổng cộng là khoảng 17 tiếng đồng hồ. Suốt thời gian này mình được nằm trong phòng sinh đẹp như khách sạn 5 sao, y tá, bác sĩ đi ra đi vô theo dõi chăm sóc tận tình thường xuyên, muốn có gì họ lấy cho cái đó (đừng muốn tiền vàng gì là được), chồng mình có giường nằm chăn đắp đàng hoàng, em bé thì được theo dõi nhịp tim qua máy buộc quanh bụng mẹ. Mình định là không ch ích thuốc epidural (gây tê màng cứng đâu) vì nghe bảo có thể có tác dụng phụ là gây đau lưng kinh niên. Nhưng mà đau đẻ được 1 tiếng thì mình đau quá chịu không được nên mình order ngay bác sĩ gây tê.

Đợi thêm 1 tiếng nữa bác sĩ mới đến chích cho. Lúc mình thấy bác sĩ bước vào mình nói luôn “thank god you are here”. Các mẹ chú ý rút kinh nghiệm nha. Hãy quyết định có gây tê không từ trước để bệnh viện chuẩn bị sẵn bác sĩ gây tê chứ thường bệnh viện ko có nhiều bác sĩ gây tê đâu. Bs phải rảnh mới lên chích cho mình được. Mà sau khi chích epidural rồi thì mình khuyên các mẹ hãy chích đi nha, ko có bị sao hết á, đau lưng vài tháng là hết à, đừng có chịu đau chi trong khi mình có sự lựa chọn không đau.

Đến khoảng 3h sáng thì Mel ra đời, may mắn là mình được sinh thường. Mel khoẻ mạnh, khóc to và chỉ nhỏ hơn bình thường có 1 tẹo thôi. Tổng cộng có 5 bác sĩ và 2 y tá theo dõi mình đẻ lận, và ai cũng tận tình, nhẹ nhàng hết, làm mình cảm thấy đc an ủi rất nhiều sau quãng thời gian vất vả như vậy. À nhắc đến sinh thường, ở canada bác sĩ luôn luôn yêu cầu các mẹ sinh thường, chỉ trừ phi có gì đó phức tạp thì mới sinh mổ thôi (ví dụ như em bé ko quay đầu), dây rốn quấn cổ cũng sinh thường luôn. Ở Việt Nam gì cũng sinh mổ hết, hại mẹ hại em bé biết bao nhiêu. Các mẹ ráng sinh thường cho khoẻ nha các mẹ.

Sinh xong thì bác sĩ sẽ theo dõi em bé, chích máu ở gót chân để kiểm tra đường trong máu. Bé phải có đường máu đúng yêu cầu thì bác sĩ mới cho bé xuất viện về. Bác sĩ cũng khuyến khích mẹ cho bé bú và không cho bé sữa công thức nếu mẹ quyết định cho bé bú. Thường mẹ và bé nếu sinh thường và ko có vấn đề gì sẽ về sau 24h, còn sinh mổ là 48h. Muốn ở thêm cũng ko được nha trừ phi bác sĩ cho phép, để bệnh viện còn phục vụ các mẹ bầu khác nữa chớ.

À Mel sinh xong cũng được phát cho thẻ OHIP luôn mặc dù đáng nhẽ ra mình là sinh viên không có ohip thì Mel không được ohip (vì họ sợ người nước ngoài sang sinh em bé), may mắn thêm tập nữa.

Sau khi sinh em bé, trong vòng 48h ba mẹ phải đăng ký và đưa bé tới gặp bác sĩ gia đình của bé để được bác sĩ theo dõi và chích ngừa. Ba mẹ đăng ký giấy khai sinh cho con online, vài tuần sau là giấy gửi về, bé chính thức là công dân Canada luôn. Mình cũng gửi giấy khám của bé lên lãnh sự quán Việt Nam để xin quốc tịch Việt Nam cho bé luôn, dual citizenship không hại chỉ có lợi thui.

5. Kết:

 

Câu chuyện đi đẻ của mình đến đây là hết. Trường hợp của mình cũng hơi đặc biệt vì có bảo hiểm nhưng hi vọng các bạn cũng rút ra được kinh nghiệm nào đó cho riêng mình. Các bạn nào không có ohip hay bảo hiểm thì nhớ tìm hiểu dịch vụ Midwife miễn phí nha, bạn mình theo midwife được free hết luôn. Mình thì không có kinh nghiệm về midwife nên không chia sẻ được, hi vọng mẹ nào biết sẽ share cho cả nhà cùng tham khảo.

Chúc các mẹ sinh nở thành công, chúc các bé thành công dân canada tài giỏi và tốt tính nha!

Cheers!

 Tác giả: MichellePham – Hội du học sinh Toronto 

 

 


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài


Deprecated: htmlspecialchars(): Passing null to parameter #1 ($string) of type string is deprecated in /var/www/vhosts/tapchicanada.com/httpdocs/modules/mod_search/mod_search.php on line 44