Gina Bahiwal (Ảnh: Jim Rankin/Toronto Star)
Tin lời bạn bè nói rằng chương trình lao động ngoại quốc tạm thời lương thấp của Canada sẽ cải thiện cuộc sống cho gia đình mình, Gina Bahiwal vay mượn $6,000 để trả cho một người tuyển dụng Philippines để lo giấy tờ và kiếm việc cho bà.
Trong vòng chín tháng bà đã tới Leamington làm công việc đóng gói rau với mức lương tối thiểu. Bà có giấy phép làm việc ràng buộc bà với một hãng — và với một nhà tuyển dụng Canada, người thu thêm tiền mà bà được giải thích là để trang trải tiền thuê nhà và điện nước, trong một căn hộ do nhà tuyển dụng chọn.
Khi tới lúc gia hạn giấy phép làm việc của bà, nhà tuyển dụng đòi $2,500. Thay vì vậy, bà nhờ trợ giúp pháp lý miễn phí và xin được giấy phép mà không tốn đồng nào. Nhưng vì bà không trả tiền cho nhà tuyển dụng, bà mất công việc đóng gói rau.
Đó là người đầu tiên trong ba nhà tuyển dụng Canada mà Bahiwal gặp phải — mỗi người đòi mấy ngàn đô — trong hành trình mấy năm trời làm nhiều công việc khác nhau như dọn phòng khách sạn và nhân viên tiệm thức ăn nhanh, bị lệnh trục xuất, rồi thành thường trú nhân. Bà cũng trở thành người đấu tranh vì quyền lợi người lao động.
Bahiwal, 43 tuổi, nói về bản thân và những người bạn của bà đã tới Canada, “Tất cả chúng tôi trả tiền để tới đây làm việc.” Rồi họ trả thêm tiền để di chuyển khắp Canada và tiếp tục có việc làm.
Theo luật lệ Canada, lẽ ra họ đã không bao giờ nên trả số tiền đó.
Những hãng sở muốn tuyển lao động ngoại quốc tạm thời lương thấp phải chịu chi phí đưa người lao động tới Canada, bao gồm chi phí tuyển dụng và và vận chuyển. Thế nhưng, thông qua những nhà tuyển dụng tư nhân được người lao động trả tiền trực tiếp, các hãng sở có thể tránh những chi phí này. Các chi phí này được chuyển sang cho người lao động — cộng thêm mức chênh lệch mà nhà tuyển dụng hưởng.
Trải nghiệm của Bahiwal không phải là không phổ biến trong những người lao động thuộc diện lương thấp của chương trình lao động ngoại quốc tạm thời, một trong bốn diện mà qua đó người di cư làm farm (làm nông) được đưa tới Canada.
Số lượng những nhà tuyển dụng, người ăn tiền để kết nối người lao động với việc làm, đã tăng mạnh tại Canada và ở ngoại quốc khi ngày càng có nhiều người lao động nông nghiệp ngoại quốc đổ tới Canada. Các chương trình lao động tạm thời, vốn ràng buộc người lao động với một hãng sở, có cơ chế quản lý tuyển dụng lỏng lẻo cấp liên bang, giao trách nhiệm theo dõi cho các tỉnh bang.
Năm ngoái có khoảng 54,000 người di cư làm farm tới Canada. Số người di cư làm farm tại Canada đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2000.
Manitoba được xem là có cách quản lý tốt nhất về bảo đảm người lao động không bị những nhà tuyển dụng bất lương lợi dụng. Tỉnh bang này có một hệ thống cấp phép chủ động cho những nhà tuyển dụng và bắt buộc các hãng sở phải đăng ký với chính quyền trước khi bắt đầu tuyển người lao động tạm thời. Các hãng sở không thể được phép dùng chương trình liên bang nếu họ không tuân thủ. Saskatchewan và Nova Scotia có những biện pháp bảo vệ tương tự.
Luật sư Fay Faraday. (Ảnh: Jim Rankin/Toronto Star)
Ở những nơi khác, cách thực thi có tính phản ứng, dựa trên khiếu kiện, các khoản phí đắt cắt cổ bất hợp pháp và một chương trình ràng buộc người lao động với hãng sở đã khiến người lao động dễ bị lợi dụng, như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, ví dụ nghiên cứu của luật sư Fay Faraday ở Toronto về khuôn khổ pháp lý của các chương trình người di cư lao động tạm thời của Canada.
Luật sư Faraday, người đã đấu tranh để cải thiện quyền của lao động di cư trong mấy chục năm qua, nói, “Chúng ta đã tạo ra một hệ thống tạo điều kiện cho lao động nô dịch — nô lệ vì ràng buộc nợ nần.”
Khả năng lợi dụng và bóc lộc bắt đầu từ giai đoạn tuyển dụng trong “chu trình di cư lao động” của một người lao động di cư”.
Những người tuyển dụng rao bán niềm hy vọng và hưởng lợi từ niềm hy vọng đó. Nước đang phát triển và gia đình của người lao động hưởng lợi từ tiền gởi về quê nhà. Nước đã phát triển có được lao động rẻ. Hãng sở dựa vào những nhà tuyển dụng để tìm người lao động. Những nhà tuyển dụng kiểm soát quyền tiếp cận việc làm.
Đôi khi, chủ hãng và nhà tuyển dụng cũng kiểm soát nhà ở. Điểm này trong chu trình chính là nơi người lao động dễ bị hại nhất, và cán cân kinh tế và quyền lực bị lệch nhất, khiến nhà tuyển dụng có ưu thế hơn người lao động, gia đình và quê hương của họ.
Tất cả những điều này phải được cân nhắc khi thiết kế những biện pháp bảo vệ bằng luật pháp ở Canada. Đó là quan điểm của luật sư Faraday trong “Profiting From the Precarious” (Trục lợi từ những người trong hoàn cảnh bấp bênh), báo cáo năm 2014 của bà về cách những người lao động di cư lương thấp bị các tập quán tuyển dụng bóc lột.
Bà Faraday nói rằng hệ thống bảo vệ người lao động ngoại quốc tạm thời của Ontario rất yếu.
“Nó phụ thuộc vào việc người lao động trình báo và khiếu nại, nhưng điều đó không xảy ra. Bất cứ khiếu nại nào về các điều khoản của công việc, bất cứ khiếu nại nào về tình trạng nhà ở, đều tức khắc khiến người lao động bị đuổi việc.”
Bà Faraday nói rằng những giấy phép [làm việc] ràng buộc người lao động với một hãng sở duy nhất “có lẽ là phần tác hại nhất của hệ thống này, cùng với thực tế là không có khả năng xin được tư cách thường trú nhân. Liên Hợp Quốc đã công nhận rằng những giấy phép ràng buộc có thể dẫn tới khả năng bóc lột người lao động.”
Bãi bỏ các giấy phép đó — thay chúng bằng những giấy phép mở hoặc giấy phép theo ngành cụ thể giúp dễ dàng thay đổi hãng sở hơn — sẽ giúp lọc những nhà tuyển dụng bất lương khỏi chương trình này.
Trong báo cáo năm 2014 của mình, trích dẫn phỏng vấn với những người lao động, bà Faraday cho biết việc trả tiền để kiếm được việc làm lương thấp trong nông nghiệp, chế biến thực phẩm, nhà kho và nhà hàng là chuyện “phổ biến, thậm chí thường lệ”.
Tiền để trả cho những nhà tuyển dụng thường được mượn từ gia đình hoặc những người cho vay tư nhân được nhà tuyển dụng giới thiệu. Lệ phí khởi đầu ở mức $1,000 nhưng thường từ $4,000 tới $10,000, theo bà Faraday.
Một nghiên cứu của Nghiệp đoàn Lao động Ngành thực phẩm và Thương mại Thống nhất Canada ước tính rằng phí môi giới việc làm có thể ngốn hết một nửa — hoặc nhiều hơn — trong lương của người lao động tạm thời.
Người làm farm tới Canada theo Chương trình Lao động Nông nghiệp Thời vụ (SAWP), với thời gian làm việc ở Canada tối đa là 8 tháng mỗi năm, hoặc theo một trong ba diện của chương trình lao động ngoại quốc tạm thời được phép làm việc quanh năm.
Chương trình SAWP bắt buộc hãng sở phải cung cấp nhà ở và trả tiền vé máy bay tới Canada và về quê, và chịu sự quản lý của giới chức chính phủ ở Canada và nước của người lao động.
Tuy nhiên, các diện lao động ngoại quốc tạm thời kia dựa trên các hợp đồng tư nhân giữa các hãng sở Canada và người lao động ngoại quốc và ít bị nhà nước giám sát hơn.
Những người lao động ngoại quốc tạm thời này dễ bị hại hơn — và ngày càng hấp dẫn đối những cơ sở canh nông quanh năm, ví dụ như nhà kính.
Trong báo cáo năm 2010-2011 về tình trạng của người lao động di cư, Nghiệp đoàn Lao động Ngành thực phẩm và Thương mại Thống nhất Canada nói, “Việc thiếu giám sát khiến người lao động ngoại quốc tạm thời hoàn toàn lệ thuộc hãng sở; chuyện dường như chẳng phải là vấn đề đối với chính phủ liên bang, trong khi chính phủ liên bang đã mở rộng chương trình lao động ngoại quốc tạm thời.”
Bức tranh tổng thể đó đã không thay đổi khi số lượng lao động ngoại quốc tạm thời tăng năm này qua năm khác.
Người lao động tới Canada theo chương trình SAWP được chọn theo khả năng phù hợp với công việc, ban đầu do chính nước của họ chọn, và các nhà nông sẽ chọn ai được trở lại làm việc sau mỗi năm. Không có quy định chính thức gì về thâm niên.
Theo luật sư Faraday, tuy họ không gặp những nhà tuyển dụng tư nhân bất lương và chịu phí đắt cắt cổ, họ vẫn bị cuốn vào một chu trình tuyển dụng “vĩnh viễn”.
Bà Faraday nói, “Mỗi năm người lao động lệ thuộc vào việc được hãng sở có nhận xét có lợi để được nêu tên mời trở lại làm việc. Vì vậy, hệ quả là người lao động phải lấy lòng hãng sở. Vì nếu không, họ sẽ không được nêu tên, và nếu không được nêu tên, họ có thể bị loại khỏi chương trình và không còn biết trông cậy vào đâu.”
Về việc khiếu nại về những nhà tuyển dụng bất lương, người lao động tới Canada theo chương trình làm farm tạm thời cảm thấy rằng họ sẽ mất việc nếu họ không trả lệ phí tìm được cho họ việc làm và hãng sở mà họ bị ràng buộc. Nếu chuyện đó xảy ra, rất có thể họ phải rời khỏi Canada — hoặc trả tiền cho một nhà tuyển dụng khác.
Nehwin Wanhar (Ảnh: Min Sook Lee)
Trong một vụ hiếm hoi, theo tường thuật của tờ Windsor Star, nhà tuyển dụng Nehwin Wanhar đã bị buộc tội tống tiền $15,000 của ba người lao động ngoại quốc tạm thời từ Indonesia làm farm cực nhọc ở một nhà kính Leamington. Ông ta nhận có tội hồi tháng Hai với tội nhẹ hơn là ăn cắp vì thu phí vô căn cứ.
Nhà tuyển dụng này bị tòa ra lệnh trả lại tiền cho các nạn nhân. Những nạn nhân này được đề cập trong phim “Migrant Dreams” (Những giấc mơ người di cư), một phim tài liệu được giải thưởng năm 2016 của nhà làm phim Min Sook Lee ở Toronto.
Vụ này giúp vạch trần thế giới tuyển dụng gần như không bị kiểm soát, điều mà Bahiwal quá thấu hiểu.
Quãng đời ở Canada của Gina Bahiwal bắt đầu vào năm 2008 khi bà được đưa tới ở chung với năm người lao động Phillipines khác trong một căn hộ hai phòng ngủ do nhà tuyển dụng Canada chọn.
Tiền nhà khoảng $50/tuần mỗi người, và nhà tuyển dụng trừ vào lương của họ. Như vậy tính ra tiền thuê nhà mỗi tháng tổng cộng khoảng $1,300. Bahiwal thấy mức này có vẻ cao, khi bà biết nhiều hơn về chuyện giá thuê nhà lúc đó khá rẻ — và hiện nay vẫn vậy — ở Leamington, một thành phố ở tây nam Ontario nổi tiếng về cà chua và nhà kính.
Bahiwal, người phải nuôi một con trai và một cháu gái ở Philippines, liên hệ với tổ chức đấu tranh Justicia for Migrant Workers (Công lý cho người lao động di cư).
Khi tới lúc bà phải gia hạn giấy phép làm việc, bà và những người lao động khác không chịu trả tiền cho nhà tuyển dụng. Bà nói nhà tuyển dụng đó dọa rút tên của họ khỏi bản Đánh giá Tác động Thị trường Lao động (LMIA) — một điều bắt buộc để một người lao động được cấp giấy phép. Bà và một người lao động khác bị mất việc.
Luật sư Cathy Kolar, một chuyên gia di trú đã giúp Bahiwal tìm hãng sở khác, “Ta có một vấn nạn căn bản khi nhà tuyển dụng mang họ từ nước xuất xứ tới đây, chở họ tới trang trại rồi vẫn phần nào đóng vai quản lý, quản lý nhà ở cho người lao động. Và nhà tuyển dụng cũng có vai trò như người liên lạc, để nếu có vấn đề gì giữa người lao động và hãng sở, người đó có thể can thiệp, mà cũng có thể tìm việc làm ở chỗ khác. Họ ở vị thế có quyền.”
Trong trường hợp của Bahiwal, một số người lao động xem nhà tuyển dụng như cứu tinh.
Bà Bahiwal nói, “Họ không cảm thấy cuộc đời của họ ở Canada đang bị nhà tuyển dụng kiểm soát. Thực ra họ biết ơn là họ có mặt ở đây.”
Những năm sau đó, bà Bahiwal chuyển sang British Columbia, nơi bà làm nhân viên dọn phòng khách sạn và làm ở một tiệm McDonald’s. Lần này khi bà gặp những nhà tuyển dụng, bà chỉ trả một phần lệ phí hoặc không chịu trả gì cả.
Bà trở lại Leamington năm 2015, nơi bà gặp một người Canada. Họ yêu nhà và kết hôn.
Đầu năm nay, bà suýt bị trục xuất theo một quy định của liên bang (nay đã bỏ) bắt buộc những người lao động ngoại quốc đã ở Canada trong 4 năm phải rời khỏi Canada trong 4 năm kế tiếp.
Sau khi tổ chức Justicia for Migrant Workers can thiệp, bà được cấp giấy phép lưu trú một năm. Nhờ đó bà có thời gian làm hồ sơ bảo lãnh diện vợ chồng. Bà trở thành thường trú nhân vào ngày 4/5.
Mùa hè vừa rồi, bà về Philippines và gặp con trai 14 tuổi của mình lần đầu tiên kể từ năm 2008. Bà hy vọng đưa con trai, và cháu gái, của mình sang Canada.
Theo Bahiwal và những người đấu tranh vì người lao động, nhà tuyển dụng đã đưa Bahiwal tới Leamington vẫn còn hoạt động ở vùng đó.
Jim Rankin Khương An lược dịch
Nguồn: Toronto Star, 8/10/217.
© 2024 | Tạp chí CANADA