Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất về gói trừng phạt thứ 12 lên Nga.
Gói trừng phạt thứ 12
Mặc dù văn bản của gói trừng phạt mới đã được tất cả các nước đồng ý vào đầu tuần này, các nguồn tin ngoại giao cho biết Áo đã phủ quyết gói trừng phạt mới do Ukraine đã đưa Ngân hàng quốc tế Raiffeisen của Áo vào danh sách các nhà tài trợ chiến tranh quốc tế và chưa thay đổi quyết định này cho tới tối 14/12.
Tuy nhiên, Áo được cho là đã cố gắng để Raiffeisen, ngân hàng phương Tây lớn nhất ở Nga, ra khỏi danh sách đen của Ukraine để đổi lấy việc ký kết các lệnh trừng phạt mới của EU lên Nga.
Chi tiết về các biện pháp trừng phạt mới nhất của khối vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, các nguồn thạo tin cho biết gói trừng phạt mới bao gồm lệnh cấm trực tiếp nhập khẩu kim cương phi công nghiệp của Nga từ ngày 1/1 tới và lệnh cấm nhập khẩu kim cương theo từng giai đoạn từ các nước thứ ba bắt đầu từ tháng 3 năm tới, phù hợp với nhóm Bảy nước công nghiệp phát triển (G7).
Khối này được cho là đang muốn mở rộng danh sách hạn chế “hàng hóa có công dụng kép”, ám chỉ những loại sản phẩm có thể ứng dụng trong quân sự, mà Nga đã mua được thông qua các quốc gia thứ ba.
EU muốn các công ty châu Âu bổ sung các điều khoản vào hợp đồng với các nước thứ 3, trong đó cấm xuất khẩu sang Nga những hàng hóa được cho là có thể sử dụng cho mục đích quân sự.
Gói này có thể đưa ra các hạn chế bổ sung đối với xuất khẩu sang Nga, bao gồm lệnh cấm bán một số hóa chất, pin lithium, bộ điều nhiệt và động cơ cho máy bay không người lái, cũng như máy công cụ và các bộ phận máy móc có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí.
Bên cạnh đó, EU cũng đưa ra quy định cấm trả lại tài sản của Nga bị phong tỏa ở EU và hạn chế hoạt động của công dân Nga trong một số lĩnh vực.
"Kinh tế Nga đã phục hồi"
Phát biểu trong buổi giao lực trực tuyến với người dân ngày 14/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin ông Putin tuyên bố thời kỳ tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Nga đã qua.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi giao lực trực tuyến với người dân ngày 14/12.
EU đã bổ sung các biện pháp trừng phạt theo từng lĩnh vực và từng cá nhân kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022 nhằm cắt giảm nguồn thu và thiết bị quân sự cung cấp cho cỗ máy chiến sự của Moscow.
Theo số liệu chính thức, 49% hàng xuất khẩu của châu Âu sang Nga và 58% hàng nhập khẩu của Nga đang bị trừng phạt. Dù vậy, GDP của Nga năm nay dự kiến đạt 3,5%. Ngoài ra, thu nhập thực tế của người dân tăng khoảng 5%.
Tuy nhiên, lạm phát của Nga có thể ở mức 8% vào cuối năm nay. Trong khi đó, nợ công nước ngoài của Nga đã giảm từ 46 tỷ USD xuống còn 32 tỷ USD.
Theo ông Putin, Nga đang là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vượt xa tất cả các thành viên của EU về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng các lệnh trừng phạt với quy mô chưa từng có của phương Tây là “một đợt tấn công dữ dội”, nhưng Nga vẫn có thể vượt qua.
Điện Kremlin hiện có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên gần 70% vào năm 2024, một dấu hiệu cho thấy Moscow có thể đang chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine.
Mộc An
Theo Reuters