Theo đó, các lãnh đạo EU sẽ đưa ra yêu cầu này tại một hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh vào tuần tới. Tùy thuộc vào phản ứng của ông Tập, EU sẽ quyết định có công bố tên những công ty Trung Quốc trong gói trừng phạt mới nhất hay không.
Brussels đang cố gắng ngăn chặn các sản phẩm công nghệ cao tiếp cận chiến trường Ukraine thông qua Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Theo một số nguồn tin, các lệnh trừng phạt được thiết kế để ngăn chặn các công ty có liên hệ với quân đội Nga tiếp cận hàng hóa do châu Âu sản xuất.
Các công ty Trung Quốc ban đầu bị loại khỏi gói trừng phạt thứ 12 của EU, nhưng danh tính của các doanh nghiệp này có thể sẽ được đưa vào nếu EU không đảm bảo được cam kết từ họ.
Các quốc gia thành viên quan trọng của khối, bao gồm Pháp và Đức, muốn nêu vấn đề này với giới lãnh đạo cao nhất ở Bắc Kinh. Trong khi đối thoại vẫn tiếp tục với các nhà ngoại giao Trung Quốc ở châu Âu, Brussels hiện muốn đưa vấn đề này lên cấp cao hơn.
Các nhà lãnh đạo EU, bao gồm Chủ tịch Hội đồng và Ủy ban châu Âu Charles Michel và Ursula von der Leyen, cũng như nhà ngoại giao hàng đầu của khối Josep Borrell, đang chuẩn bị bay tới thủ đô Trung Quốc để tham dự một hội nghị kéo dài 2 ngày kể từ ngày 7/12.
Các đại sứ từ 27 quốc gia thành viên đã gặp gỡ tại Brussels trong tuần này để thảo luận việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh và bật đèn xanh cho một bản định hướng, nhằm đạt được nhiệm vụ cho hội nghị thượng đỉnh.
Liên minh châu Âu ước tính có tới 70% sản phẩm công nghệ cao đến tay quân đội Nga đều thông qua Trung Quốc.
Vào tháng 6, sau khi tham vấn với Đại sứ Trung Quốc tại EU Phó Thông và đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc, Brussels đã hủy kế hoạch bổ sung 5 công ty Trung Quốc vào danh sách đen - một phần của gói trừng phạt thứ 11.
Các nguồn tin EU cho biết phía Trung Quốc khẳng định sẽ kiểm soát việc những doanh nghiệp này "bán lại" hàng hóa công nghệ cao sản xuất tại châu Âu cho phía Nga.
Phía EU được cho cũng sẽ yêu cầu ông Tập cung cấp bằng chứng về việc Trung Quốc hạn chế hoạt động này, dựa trên cam kết ngoại giao được đưa ra vào tháng 6.
Kỳ vọng thứ hai của EU từ hội nghị thượng đỉnh sắp tới là đạt được cam kết từ Trung Quốc trong việc tái tham gia vào công thức hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Bắc Kinh đã cử đặc phái viên Lý Huy tới cuộc họp với đại diện tới từ hơn 40 quốc gia để thảo luận về chiến sự Ukraine ở Ả Rập Saudi vào tháng 8. Tuy nhiên, ông Lý đã bỏ qua cuộc gặp tiếp theo đó ở Malta. Trong bối cảnh một vòng đàm phán mới được lên kế hoạch trong thời gian tới, Brussels bày tỏ mong muốn Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán.
Các nhà lãnh đạo sẽ một lần nữa yêu cầu Trung Quốc tận dụng ảnh hưởng để ngăn chiến sự tại Ukraine tiếp diễn, nhưng kỳ vọng này cũng không cao.
Ủy ban châu Âu hiện cũng đang điều tra các khoản trợ cấp trong lĩnh vực xe điện của Trung Quốc và được cho là đang để mắt đến các cuộc điều tra khác trong lĩnh vực chuyển đổi xanh.
Tuy nhiên, kỳ vọng vào một kết quả cụ thể từ cam kết của Trung Quốc không cao. Bắc Kinh từng phản đối việc sử dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương. Vào tháng 6, Đại sứ Phó Thông từng cho biết “Chính phủ Trung Quốc không cam kết bất cứ điều gì… đó là điểm mấu chốt” khi được hỏi về sự hợp tác với Brussels về các công cụ này.
Ông nói thêm: “Chúng tôi hiểu mối quan ngại của EU trong nỗ lực ngăn chặn việc lách các biện pháp trừng phạt - một số mặt hàng từ thị trường châu Âu có thể được tái xuất sang Nga. Vì vậy, theo quan điểm của họ, điều đó cần được giải quyết".
Tuần tới, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng sẽ thảo luận về các nỗ lực hòa bình ở Trung Đông và vấn đề Đài Loan, theo đó Brussels đang chuẩn bị cho những căng thẳng tiềm năng xoay quanh cuộc chuyển giao lãnh đạo của hòn đảo vào tháng 1.
Liên Hà
Nguồn: kinhtedothi.vn