Nước Mỹ tiếp tục chứng kiến cảnh tượng "trăm năm có một" khi nghị sĩ Kevin McCarthy vẫn không thể nhận đủ số phiếu ủng hộ để trở thành chủ tịch Hạ viện sau vòng bỏ phiếu thứ 10.

10 vòng bỏ phiếu. 3 ngày. Và chưa có chủ tịch Hạ viện Mỹ nào.

Thế bế tắc này đánh dấu lần đầu tiên trong 164 năm, Hạ viện Mỹ phải bỏ phiếu nhiều lần đến như vậy để chọn chủ tịch Hạ viện, theo CNN.

Sau khi chịu thêm thất bại vào hôm 4/1, ông Kevin McCarthy đã đề xuất nhiều nhượng bộ quan trọng để giành được 218 phiếu bầu. Trong số đó bao gồm cả việc đồng ý thay đổi quy tắc, cho phép một thành viên có thể kêu gọi bỏ phiếu lật đổ chủ tịch Hạ viện, theo các nguồn tin.

Trước đó, các quy tắc nội bộ vào tháng 11/2022 yêu cầu cần có sự bỏ phiếu của ít nhất một nửa đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện để kêu gọi cuộc bỏ phiếu như vậy.

CNN nhận định sự nhượng bộ mới nhất của ông McCarthy đánh dấu chiến thắng của những người theo đường lối cứng rắn. Nhưng kể cả khi đã nhượng bộ, ông McCarthy vẫn không thể gom đủ số phiếu sau vòng bỏ thứ 10 vào tối 5/1 (sáng sớm ngày 6/1 giờ Việt Nam).

Những gì đang diễn ra cũng cho thấy sự chia rẽ rõ nét trong đảng Cộng hòa và có khả năng báo trước một kỷ nguyên hỗn loạn, theo New York Times.

Tình hình trở nên nghiêm trọng đối với cả tương lai chính trị của ông McCarthy, khi các đồng minh bắt đầu lo sợ rằng lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện có thể thua trong canh bạc nếu cuộc “nội chiến” kéo dài.

1 Ha Vien My Van Be Tac Sau 10 Vong Bo Phieu

Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy. Ảnh: Reuters.

Cảnh tượng chưa từng thấy trong 100 năm

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Mỹ khóa 118 diễn ra với cảnh các thành viên đảng Cộng hòa đấu đá lẫn nhau, trong khi đảng viên Dân chủ, những người đáng lẽ phải buồn bã vì để mất thế đa số tại Hạ viện, lại vừa mừng vừa lo trước cảnh tượng hỗn loạn.

Trước đó, nghị sĩ Kevin McCarthy đến từ California tràn trề hy vọng sẽ có đủ 218 phiếu cần thiết để trở thành tân chủ tịch Hạ viện, thay thế bà Nancy Pelosi.

Nhưng thái độ của những người có lập trường cứng rắn trong đảng Cộng hòa đã khiến giấc mơ gõ búa tại Hạ viện của ông dần tan thành mây khói.

Khi các vòng bỏ phiếu kéo dài vào ngày 3/1, tình hình dường như còn trở nên tồi tệ hơn đối với McCarthy, khi số phiếu chống lại ông ngày càng tăng.

Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, ông McCarthy có 203 phiếu, với 19 đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu cho các ứng cử viên khác.

Ở vòng thứ hai, số phiếu của ông vẫn giữ nguyên nhưng 19 phiếu được bầu cho Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Jim Jordan.

Theo CNN, khi nghị sĩ Jim Jordan đứng lên đề cử ông McCarthy vào ghế chủ tịch Hạ viện, 19 thành viên đảng Cộng hòa đã phản ứng bằng cách bỏ phiếu cho chính ông Jordan đảm nhận vị trí này, dù ông không muốn.

Tại vòng thứ ba, ông McCarthy mất một phiếu và 20 phiếu được bầu cho ông Jordan.

Trong 3 vòng bỏ phiếu tiếp theo hôm 4/1, 20 nhà lập pháp đó đã bỏ phiếu cho Hạ nghị sĩ Byron Donalds (Florida), thay vì ông McCarthy. Ông Donalds từng chuyển sang ủng hộ ông Jordan trong vòng bỏ phiếu thứ 3, sau khi bầu cho ông McCarthy trong hai lần bỏ phiếu đầu tiên. Sau đó, ông đã bỏ phiếu cho chính mình trong những lần bỏ phiếu tiếp theo.

2 Ha Vien My Van Be Tac Sau 10 Vong Bo Phieu

Hạ nghị sĩ Matt Gaetz nằm trong số những người phản đối ông McCarthy. Ảnh: Reuters.

Số phiếu này của ông McCarthy thậm chí còn ít hơn so với lãnh đạo đảng Dân chủ Hakeem Jeffries, người đã nhận được tất cả 212 phiếu bầu từ thành viên trong đảng của mình ở Hạ viện.

"Hakeem, Hakeem", các đảng viên Dân chủ đã hô vang tên nghị sĩ Hakeem Jeffries khi nhà lãnh đạo mới của họ giành được nhiều phiếu bầu hơn ông McCarthy trong 3 lần bỏ phiếu.

Theo New York Times, những gì diễn ra ở Hạ viện là cảnh tượng chưa từng thấy trong 100 năm qua. Trong lịch sử nước Mỹ, cuộc bầu cử Chủ tịch Hạ viện gần đây nhất phải bầu nhiều lần là năm 1923 khi Hạ nghịsỹ Frederick Gillett của đảng Cộng hòa cần tới 9 vòng bầu mới trúng cử.

Nhượng bộ

Sự nhượng bộ lớn đã được đưa ra khi ông McCarthy vật lộn để tìm ra con đường phía trước.

Nhưng nhiều thành viên ôn hòa lo ngại việc nhượng bộ phe cực hữu trong vấn đề này có thể làm suy yếu vai trò chủ tịch Hạ viện và gây hỗn loạn trong hàng ngũ.

Theo các nguồn tin, ông McCarthy cũng đồng ý cho phép nhiều thành viên của Freedom Caucus - nhóm nghị sĩ cực hữu có tham vọng thay đổi các quy tắc trong Quốc hội - hoạt động trong Ủy ban Nội quy Hạ viện.

Tuy nhiên, bất chấp điều đó, vẫn chưa có kết luận cuối cùng vì các cuộc đàm phán đang diễn ra.

Hạ nghị sĩ Texas Chip Roy, một trong những nhà lập pháp cứng rắn đã bỏ phiếu chống, nói với lãnh đạo đảng Cộng hòa rằng ông McCarthy có thể có được thêm 10 người ủng hộ nếu cuộc đàm phán diễn ra thành công.

Một số nguồn tin cho biết cuộc đàm phán hôm 4/1 giữa các đồng minh của ông McCarthy và những người “ngáng đường" là cuộc đàm phán nghiêm túc, hiệu quả nhất cho đến nay.

“Chúng tôi có nhiều cuộc thảo luận hơn trong hai ngày qua so với những gì chúng tôi đã làm trong suốt 4 năm vừa rồi”, ông Roy nói khi rời Điện Capitol vào tối 4/1.

3 Ha Vien My Van Be Tac Sau 10 Vong Bo Phieu

Nghị sĩ Mỹ đưa theo con nhỏ tới cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện ngày 3/1. Ảnh: Reuters.

Ông Tom Emmer cũng cho biết vào tối 4/1 rằng các cuộc đàm phán về chủ tịch Hạ viện tiếp theo “rất mang tính xây dựng”.

“Rất nhiều thành viên đã tham gia vào việc này và có một số người đang ngồi xuống, nói về cuộc thảo luận đó để xem họ muốn đi đến đâu tiếp theo”, thành viên đảng Cộng hòa nói.

Tuy nhiên, ngay cả khi các cuộc đàm phán này thành công và có thêm 10 nhà lập pháp ủng hộ ông McCarthy, điều đó vẫn không mang lại cho ông 218 phiếu bầu cần để trở thành chủ tịch Hạ viện.

Tương lai không chắc chắn

Các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện nắm giữ 222 ghế trong Quốc hội mới, vì vậy để đạt được 218 phiếu bầu, ông McCarthy chỉ có thể mất 4 phiếu từ đảng mang sắc đỏ.

Trở ngại của ông là phải đối mặt với một nhóm nhỏ nhưng kiên quyết gồm những người theo đường lối cứng rắn.

Trong thế đa số mong manh của đảng Cộng hòa tại Hạ viện, nhóm này đã sử dụng đòn bẩy mà họ có để đạt được những nhượng bộ.

Thực tế sau đó cho thấy McCarthy đã phải thỏa hiệp một số yêu cầu của họ, nhưng cho đến nay những nỗ lực này dường như vẫn chưa đủ.

Trong vòng bỏ phiếu thứ 4, Hạ nghị sĩ Victoria Spartz của Indiana thậm chí đã bỏ phiếu “có mặt” - có hiệu lực như một phiếu trắng.

Bà Spartz nói với CNN rằng bà làm như vậy vì muốn cho phép có nhiều cuộc đàm phán hơn để giải quyết các mối bận tâm của 20 đảng viên từ chối bầu ông McCarthy.

Việc không có người chiến thắng đang làm trì hoãn quá trình khởi động chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa và có thể báo trước những khó khăn mà đảng này phải đối mặt trong việc lập pháp.

4 Ha Vien My Van Be Tac Sau 10 Vong Bo Phieu

20 hạ nghị sĩ phản đối ông McCarthy trở thành chủ tịch Hạ viện. Vòng tròn xám là những hạ nghị sĩ tái đắc cử, còn màu vàng là những người mới được bầu chọn. Đồ họa: New York Times.

Khi không có chủ tịch Hạ viện, các nhà lập pháp không thể tuyên thệ nhậm chức. Thế bế tắc cũng khiến cho Hạ viện chưa thể xem xét bất kỳ dự luật nào.

“Điều quan trọng là sẽ không có công việc nào khác được thực hiện tại Hạ viện cho đến khi chọn ra người lãnh đạo”, Matt Glassman, thành viên cấp cao của Viện các vấn đề chính phủ thuộc Đại học Georgetown, cho biết.

Câu hỏi về sức ảnh hưởng của ông Trump

Trong bối cảnh đó, cựu Tổng thống Trump ngày 4/1 đã lên tiếng hối thúc các nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu cho ông Kevin McCarthy trở thành chủ tịch Hạ viện, Politico đưa tin.

5 Ha Vien My Van Be Tac Sau 10 Vong Bo Phieu

Cựu Tổng thống Trump và ông McCarthy. Ảnh: Reuters.

"Các cuộc thảo luận hiệu quả đã diễn ra đêm qua, giờ là lúc tất cả thành viên vĩ đại của đảng Cộng hòa tại Hạ viện bỏ phiếu cho Kevin", ông Trump viết trên mạng xã hội.

Ông cũng cảnh báo các nghị sĩ Cộng hòa có thể chuốc lấy thất bại nếu tiếp tục căng thẳng với nhau.

“Cộng hòa, đừng biến chiến thắng vĩ đại thành một thất bại khổng lồ và đáng xấu hổ", ông nhấn mạnh. “Hãy xem, ông Kevin McCarthy sẽ hoàn thành tốt công việc, và thậm chí có thể làm nó một cách tuyệt vời”.

Dù vậy, tuyên bố của ông Trump có thể không lay chuyển được những người “ngáng đường" cứng đầu nhất của ông McCarthy.

Gaetz, một trong những thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện phản đối ông McCarthy, đã coi nỗ lực mới nhất của ông Trump là “đáng buồn”.

“Điều này không làm thay đổi quan điểm của tôi về ông McCarthy, ông Trump cũng như lá phiếu của mình”, ông nói với Fox News Digital.

Việc ông Gaetz, người từ lâu đã là một đồng minh trung thành của ông Trump, từ chối trước lời kêu gọi của cựu tổng thống, đặt ra câu hỏi mới về ảnh hưởng đang suy giảm của ông Trump đối với các đảng viên Cộng hòa trong chiến dịch tranh cử tổng thống lần thứ 3.

“Nếu Matt Gaetz phớt lờ ông Trump, đó không phải là dấu hiệu tốt”, một đồng minh của cựu tổng thống, người có liên quan đến chiến dịch tranh cử năm 2024 cho biết.

Người này cho hay ông Trump đã thay mặt ông McCarthy thực hiện các cuộc gọi trong 24 giờ qua nhằm cố gắng phá vỡ thế bế tắc, nhưng những nỗ lực đó cho đến nay vẫn không có kết quả.

Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài


Deprecated: htmlspecialchars(): Passing null to parameter #1 ($string) of type string is deprecated in /var/www/vhosts/tapchicanada.com/httpdocs/modules/mod_search/mod_search.php on line 44