Tỉ suất sinh quốc gia giảm, quân đội Hàn Quốc đối diện với áp lực phải duy trì quân số cho các mối đe dọa trong tương lai - Ảnh: AFP
Áp lực duy trì quân số
Luôn phải để mắt đến mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên, Hàn Quốc duy trì một lực lượng thường trực khoảng nửa triệu binh lính.
Trong bối cảnh đó, theo nhận định của Đài CNN, tỉ suất sinh mới là kẻ thù lúc này của đất nước Hàn Quốc. Với tỉ suất sinh chỉ 0,78 trẻ em trong suốt cuộc đời của một phụ nữ Hàn, các chuyên gia cho rằng Hàn Quốc không còn cách nào khác ngoài việc phải thu hẹp lực lượng.
“Với tỉ suất sinh hiện tại của chúng tôi, tương lai đã được định trước" - ông Choi Byung Ook, giáo sư an ninh quốc gia tại Đại học Sangmyung, nhận định. Ông cũng cho rằng việc quân đội phải cắt giảm lực lượng là điều không thể tránh khỏi.
Theo ông Choi, quân đội Hàn Quốc cần 200.000 binh sĩ ghi danh hoặc nhập ngũ mỗi năm để duy trì mức quân số như hiện tại.
Trong khi đó, năm 2022 ghi nhận cho thấy có ít hơn 250.000 trẻ em được sinh ra tại Hàn Quốc.
Đặt giả định tỉ lệ nam - nữ là 50 - 50, nghĩa là trong vòng 20 năm nữa, Hàn Quốc sẽ chỉ có khoảng 125.000 nam giới nhập ngũ, ít hơn so với con số cần thiết là 200.000 người.
Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, số lượng trẻ sơ sinh hằng năm tại quốc gia này được dự báo sẽ còn giảm hơn nữa - 220.000 trẻ vào năm 2025 và chỉ 160.000 trẻ vào năm 2072.
Động lực chuyển đổi công nghệ
Dự đoán xu hướng tỉ suất sinh thấp, quân đội Hàn Quốc đã chuẩn bị để ứng phó cho vấn đề này.
Theo sách trắng quốc phòng vào năm 2022, dựa trên tiền đề "mối đe dọa từ Triều Tiên sẽ giảm dần", Hàn Quốc đã quyết định sẽ giảm số lượng binh sĩ tại ngũ từ 674.000 người vào năm 2006 xuống còn 500.000 người vào năm 2020, thúc đẩy một lực lượng nhỏ hơn nhưng tinh nhuệ hơn.
Quân đội Hàn Quốc đã đạt được mục tiêu này khi giảm quy mô quân số khoảng 27,6% trong vòng 20 năm, từ năm 2002-2022. Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều kiện “mối đe dọa từ Triều Tiên sẽ giảm dần” là rất khó có thể có được trong thời điểm hiện nay.
Ngày 18-12, Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn Hwasong-18 có tầm bắn đến tận Mỹ.
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên nhằm phô diễn sức mạnh chống lại những nỗ lực thúc đẩy chiến lược hạt nhân nhắm vào Bình Nhưỡng đang được Seoul và Washington tăng cường.
Nhiều ý kiến cho rằng Hàn Quốc nên dựa vào khoa học công nghệ để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên, cũng như tận dụng cuộc khủng hoảng nhân lực để thực hiện chuyển đổi công nghệ.
"Các cơ quan quốc phòng Hàn Quốc đã có chính sách lâu dài chuyển đổi từ quân đội lấy con người làm trung tâm sang một quân đội với định hướng công nghệ", ông Chun In Bum, một cựu trung tướng quân đội, nói.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vào năm 2022 cho biết họ sẽ thực hiện chuyển đổi theo từng giai đoạn sang hệ thống chiến đấu dựa trên AI (trí tuệ nhân tạo) có sự phối hợp giữa việc có con người điều khiển và không có con người điều khiển.
Bộ này cũng giới thiệu lữ đoàn TIGER được mệnh danh là "đơn vị tương lai". Lữ đoàn này sẽ kết hợp nhân lực và thiết bị không người lái để thực hiện các nhiệm vụ.
Nhờ chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc, Hàn Quốc hiện có khoảng 3,1 triệu quân dự bị. Sau khi hoàn thành từ 18-21 tháng nghĩa vụ quân sự, thanh niên Hàn Quốc sẽ là quân nhân dự bị trong vòng 8 năm.
Phụ nữ Hàn Quốc không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Số quân nhân tình nguyện nữ trong quân đội Hàn Quốc hiện tại chỉ chiếm khoảng 3,6%.
Trong khi đó, theo Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR), Triều Tiên tự hào có lực lượng vũ trang lớn thứ 4 thế giới. Vào cuối năm 2022, CFR thống kê quân đội Triều Tiên có khoảng 1,3 triệu quân nhân tại ngũ và 600.000 quân nhân dự bị.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online