Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (bìa trái) trong cuộc họp ngày 29-11 tại Brussels (Bỉ) - Ảnh: AFP
Theo báo Politico, ngoại trưởng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 29-11 đã đồng ý "sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine đến chừng nào cần thiết", tăng cường hợp tác với Kiev về một loạt vấn đề chính trị, an ninh, nỗ lực thể hiện tình đoàn kết trong bối cảnh thế giới đang bị phân tâm bởi cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Trung Đông.
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp hai ngày của ngoại trưởng các nước thành viên NATO tại Brussels (Bỉ).
Hội đồng NATO - Ukraine cũng lần đầu tiên họp ở cấp ngoại trưởng, với sự tham gia của Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba.
NATO nêu rõ đã cùng Ukraine làm việc và đưa ra quyết định bình đẳng về nhiều vấn đề, bao gồm khả năng tương tác, an ninh năng lượng, đổi mới, phòng thủ mạng, và khả năng phục hồi.
Các nước NATO cũng sẽ làm việc để giúp xây dựng lại khu vực an ninh và quốc phòng Ukraine, cũng như hỗ trợ khả năng răn đe và phòng thủ của Kiev về lâu dài.
Khối này nhấn mạnh "đang xây dựng lộ trình để Ukraine chuyển đổi sang khả năng tương tác đầy đủ với NATO".
NATO định nghĩa "khả năng tương tác" là việc sử dụng các loại vũ khí, thiết bị, chiến thuật và quy tắc chung, cũng như các tiêu chuẩn về thuật ngữ và liên lạc cho phép các quốc gia thành viên và đối tác cùng nhau hoạt động trên chiến trường, theo Đài Russia Today (Nga).
"Chúng tôi đang tăng cường khả năng tương tác với NATO. Chúng tôi gần như đang trở thành một quân đội NATO trên thực tế, nếu xét về năng lực kỹ thuật, phương pháp quản lý và nguyên tắc điều hành quân đội", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và ông Kuleba gặp nhau ngày 29-11 - Ảnh: AFP
Tuyên bố không đề cập đến việc kết nạp Ukraine vào NATO trong tương lai gần, song Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhắc lại rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên NATO khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng.
NATO đến nay vẫn chưa đưa ra lộ trình cụ thể nào về việc kết nạp Ukraine vào khối, dù đã đề cập đến điều này từ năm 2008.
Khi Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra hồi tháng 7 năm nay, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng nếu Ukraine không được cung cấp lộ trình, thời gian cụ thể để vào NATO "sẽ là điều vô lý".
Nga đã nhiều lần phản đối việc NATO mở rộng khối và khẳng định việc Ukraine trở thành thành viên NATO là "không thể chấp nhận được".
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online