Một phần đập Nova Kakhovka bị vỡ sáng 6-6, giờ địa phương, tại khu vực Kherson thuộc miền nam Ukraine. Kherson là một trong bốn vùng ở Ukraine mà Nga sáp nhập vào tháng 10 năm ngoái và con đập Nova Kakhovka do Nga đang kiểm soát.
Hãng tin Tass của Nga đưa tin nửa nhịp của đập đã bị phá hủy và vẫn đang tiếp tục sụp đổ. Hãng này dẫn lời chính quyền thân Nga tại đây cho biết nước đã dâng lên 10m.
Về nhà máy thủy điện Kakhovka, truyền thông Ukraine đưa tin nhà máy điện này đã bị "phá hủy hoàn toàn" do nổ bên trong phòng chứa động cơ nằm trên con đập. Nga cũng nói rằng sẽ phải xây dựng lại hoàn toàn nhà máy này.
"Mức độ thiệt hại là rất nghiêm trọng, hiện tại khó mà nói rằng việc khôi phục sẽ rất dễ dàng. Rõ ràng, sẽ cần xây dựng lại nhà máy thủy điện Kakhovka giống như những năm 1950-1956" - Hãng tin Tass dẫn lời ông Vladimir Leontyev, quan chức chính quyền thân Nga ở Kherson, nói.
Viết trên Telegram, chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Andriy Yermak cho rằng vụ tấn công do Nga đứng sau là một phần trong nỗ lực nhằm cản trở đợt phản công của Ukraine.
"Những kẻ chiếm đóng đã cho nổ tung con đập của hồ chứa Nova Kakhovka trong cơn hoảng loạn. Đây rõ ràng là một hành động khủng bố và tội ác chiến tranh, sẽ là bằng chứng trước tòa án quốc tế", Hãng tin Reuters dẫn lời cơ quan tình báo quân sự của Ukraine cáo buộc.
Phương Tây cũng lập tức đứng về phía Ukraine khi Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho rằng vụ việc vỡ đập là hậu quả của việc Nga tấn công Ukraine. Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố sẽ buộc Nga chịu trách nhiệm.
Trước đó, chính quyền thân Nga tại Kherson nói rằng đập Nova Kakhovka bị vỡ sau khi trúng pháo, đồng thời cáo buộc đây là hành động "khủng bố" của phía Ukraine.
Đập Nova Kakhovka ở Kherson thuộc miền nam Ukraine bị vỡ ngày 6-6 - Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, người dân khu vực xung quanh đang khẩn trương di tản sau khi chính quyền Ukraine cảnh báo mực nước sẽ dâng lên mức nguy hiểm trong vài giờ tới.
Chính quyền Ukraine ước tính có khoảng 16.000 người sống trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng và một số ngôi làng đã bắt đầu bị ngập. Hãng tin Tass cho biết khoảng 300 hộ dân đã được di tản.
Hai bên cùng khẳng định tình hình nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã được kiểm soát trong khi bắt đầu di dời dân.
Tuy nhiên, các quan chức Ukraine cho rằng mục đích của Nga nhằm dọa cho Kiev sợ về nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân.
"Thế giới một lần nữa đứng bên bờ vực thảm họa hạt nhân vì nhà máy Zaporizhzhia đã mất nguồn nước làm mát. Nguy cơ này đang gia tăng nhanh chóng", ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của ông Zelensky, cáo buộc.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online