Chánh văn phòng Tổng thống Zelensky, Andriy Yermak (phải) và cấp phó Oleh Tatarov dự lễ tốt nghiệp học viện cảnh sát ở Kiev vào ngày 12-4-2023. Ông Yermak chưa kê khai tài sản - Ảnh: UKRINFORM
Những phát hiện này diễn ra sau khi Cơ quan Phòng chống tham nhũng quốc gia Ukraine (NACP) mở lại sổ đăng ký khai báo điện tử công khai từ ngày 10-12.
Những người thân cận ông Zelensky gây tranh cãi nhất
Theo báo Kyiv Independent, một trong những quan chức gây tranh cãi nhất khi kê khai tài sản là ông Oleh Tatarov, phó chánh văn phòng của Tổng thống Zelensky.
Ông Tatarov nhận mức lương 500.000 Hr (13.500 USD) vào năm 2022, trong khi vợ cũ của ông là Tetiana Tatarov kiếm được 7 triệu Hr (189.600 USD) từ các hoạt động kinh doanh.
Bà Tetiana Tatarov còn gửi ngân hàng 321.496 euro, 400.000 USD và 5,4 triệu Hr (150.000 USD) tiền mặt, trong khi ông Tatarov có 5,15 triệu Hr (140.000 USD) tiền mặt và các tài sản khác.
Ông Tatarov cũng đầu tư 9 triệu Hr (240.000 USD) vào việc xây dựng bất động sản, trong khi vợ cũ Tetiana thuê một căn hộ rộng 137m² ở Slovakia kể từ tháng 3-2022.
Ngoài ra, bà còn có một chiếc Mercedes Benz trị giá 2,5 triệu Hr (68.000 USD).
Cơ quan điều tra Ukraine đã đưa tin vào tháng 3 năm nay rằng mục đích ly hôn của ông bà Tatarov gần đây có thể là để bảo toàn tài sản của họ.
Ông Tatarov đã trở thành biểu tượng cho sự "khoan dung" của Tổng thống Zelensky đối với nạn tham nhũng trong nội bộ của ông.
Bất chấp những tranh cãi, Tổng thống Zelensky đã từ chối đình chỉ hoặc sa thải ông Tatarov.
Ngoài ra, ông Rostyslav Shurma - một phó chánh văn phòng khác của ông Zelensky - cũng gây nhiều tranh cãi.
Shurma, người chịu trách nhiệm về chính sách kinh tế tại Văn phòng Tổng thống, có thu nhập 681.500 Hr (18.403 USD) vào năm 2022, bao gồm cả tiền lương 415.600 Hr (11.222 USD), trong khi thu nhập của vợ ông lên tới 870.000 Hr. (23.493 USD).
Ông Shurma còn nắm giữ số tiền tương đương 5 triệu Hr (140.000 USD) bằng tiền mặt và tài khoản ngân hàng.
Ngoài ra, Shurma và vợ đã cho anh trai Oleh vay 210 triệu Hr (5,67 triệu USD) vào năm 2021.
Ông cũng từng là nhà lập pháp thuộc Đảng Regions của cựu tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych và là người đứng đầu khối đối lập thân Nga ở tỉnh Zaporizhzhia.
Căn hộ sang trọng triệu USD ở Matxcơva
Một số bản kê khai điện tử do các nhà lập pháp đệ trình cho thấy nhiều người có mối liên hệ rõ ràng với Nga.
Vợ của nhà lập pháp thân Nga Yury Boiko, sở hữu một căn hộ rộng 220m² ở Nga. Ông Boiko khai có căn hộ trị giá 2,7 triệu Hr (73.000 USD).
Tuy nhiên, một điều tra của báo chí ước tính giá trị căn hộ lên tới hơn 190 triệu rúp (2,1 triệu USD), và theo thông tin vào ngày 13-12 cho biết căn hộ nằm trong một khu phố cao cấp ở trung tâm thủ đô Matxcơva.
Vợ của ông Boiko cũng khai báo có số tiền và vàng trị giá tổng cộng 7,6 triệu rúp (84.000 USD) tại Ngân hàng NK của Nga.
Ông Boiko phục vụ dưới thời cựu tổng thống thân Nga Yanukovych với tư cách là bộ trưởng năng lượng và phó thủ tướng.
Boiko từng bị điều tra về cáo buộc biển thủ 400 triệu USD trong quá trình mua giàn khoan dầu ở Biển Đen, trong thời gian ông giữ chức bộ trưởng năng lượng vào năm 2011. Tuy nhiên, không có cáo buộc nào được đưa ra chống lại ông.
Một quan chức gây tai tiếng khác là Viktor Hlynyany, thẩm phán tại Tòa phúc thẩm Kiev.
Ông bị bắt vào đầu tháng 12 với cáo buộc nhận hối lộ 8.300 USD. Ba thẩm phán khác của tòa án cũng bị buộc tội trong vụ hối lộ.
Theo lời khai của Hlynyany, ông đã mua một chiếc ô tô BMW X5 trị giá 3,3 triệu Hr (89.000 USD) vào tháng 10.
Vào năm 2021, thu nhập của ông Hlynyany bao gồm tiền lương là 2,8 triệu Hr (76.000 USD) và 216.763 Hr (5.853 USD) tiền trợ cấp hưu trí. Ngoài ra, ông còn có 80.000 USD gửi trong ngân hàng và 900.000 Hr (24.303 USD) tiền mặt để nhà.
Hlynyany và mẹ ông cũng sở hữu một số ngôi nhà, căn hộ và lô đất.
Hệ thống kê khai tài sản điện tử của Ukraine, một công cụ chống tham nhũng quan trọng, được tạo ra sau cuộc Cách mạng EuroMaidan 2014.
Sau khi Nga tấn công Ukraine vào tháng 2-2022, chính quyền Ukraine đã thông qua luật cho phép các quan chức không kê khai tài sản điện tử và ngăn chặn quyền truy cập của công chúng.
Dưới áp lực của dư luận và phương Tây, Tổng thống Zelensky đã ký một đạo luật vào tháng 10 vừa qua để tiếp tục yêu cầu các quan chức nộp bản kê khai tài sản và công khai chúng.
Theo quy định mới nhất, cán bộ nhà nước phải kê khai tài sản năm 2021, 2022 trước ngày 31-1-2024 và tờ khai năm 2023 trước ngày 31-3-2024. Theo cơ quan giám sát dân sự Chesno, đến nay đã có 22% nhà lập pháp Ukraine đã nộp tờ khai cho năm 2021 và 14% nộp tờ khai cho năm 2022.
Tổng thống Zelensky, chánh văn phòng Andriy Yermak, Thủ tướng Denys Shmyhal, Tổng công tố Andriy Kostin và nhiều quan chức cấp cao khác vẫn chưa nộp tờ khai.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online