Mặt trời mọc cũng là lúc dòng người đổ ra đường đông dần. Hàng trăm bô lão kéo tới các không gian xanh của thành phố để tranh thủ tập thể dục trước khi thời tiết xứ nhiệt đới và khói bụi từ những làn xe cộ đông đúc biến phố xá trở nên ngột ngạt. Lướt qua bất kì góc đường nào ta cũng sẽ bắt gặp từng nhóm từng nhóm các cô các bác đam mê thể dục đang lắc đầu lắc hông theo từng điệu nhạc. Cụ Thọ năm nay đã 83 tuổi, râu tóc bạc phơ, cụ tâm sự rằng ngày nào cũng đi vài vòng quanh Hồ Gươm, bất kể mưa nắng.
Phải chăng, những công viên ngày càng đông đúc những người cao tuổi đang là biểu hiện của một nền dân số đang già đi?
Màu xám đang lan rộng dần trên những mái đầu người Việt. 12% dân số Việt Nam đã qua tuổi 60 và người già dự kiến sẽ chiếm đến 21% dân số vào năm 2040, đây là một trong những tỉ lệ cao nhất thế giới.
Dựa theo thống kê trên, cứ 100 người thì có 21 người già. Tỉ lệ người cao tuổi lớn như vậy một phần là do tuổi thọ trung bình đã đạt con số 76 và tăng liên tiếp trong suốt 60 năm, từ những năm 1970, nhờ thu nhập bình quân đầu người tăng.
Dân tộc no ấm hơn, đồng thời tỉ lệ sinh giảm xuống, mỗi người nữ giới trung bình có không quá 2 đứa con. Những yếu tố này góp phần không nhỏ vào câu chuyện dân số đang già đi.
“Càng ngày càng già” là vấn đề chung của rất nhiều quốc gia châu Á. Nhưng theo Economist, điều đáng buồn với Việt Nam, là già nhưng chưa kịp giàu. Khi tỉ lệ dân số tham gia vào lực lượng lao động đạt mức cao nhất, GDP của Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt tới 32,585 và 31,718 đô la Mỹ/người/năm. Trung Quốc với dân số khổng lồ cũng đã đạt con số ấn tượng 9,526 đô la Mỹ/người/năm.
Trong khi các nước láng giềng đã tận dụng thành công thời kỳ hưng thịnh của dân số để làm giàu, nền kinh tế của chúng ta vẫn đang quá chậm so với tốc độ già đi của dân số. Việt Nam, quốc gia đạt “cơ cấu dân số vàng” vào năm 2013, đạt thu nhập bình quân đầu người 5,024 đô la Mỹ. Indonesia và Phillipines sẽ bước vào “thanh xuân” của họ trong vòng 2 thập kỉ nữa, với mức thu nhập bình quân đầu người dự kiến gấp vài lần “thanh xuân” của người Việt.
Cuộc đua khắc nghiệt giữa tăng trưởng và dân số không chỉ làm đau đầu các nhà quản lí, mà còn gợi bao trăn trở cho chính chúng ta, những người con đất Việt.
Cơn đau đầu thứ nhất: liệu chính phủ có đủ nguồn lực để hỗ trợ hàng chục triệu người Việt đang ngày một già đi?
Theo Economist, chỉ có các hộ nghèo và người trên 80 tuổi (chiếm khoảng 30% dân số) mới có một khoản hỗ trợ cố định từ nhà nước, tuy nhiên, số tiền này thật sự không thấm vào đâu so với chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.
Bài báo được đăng trên Economist cũng cho biết nghiên cứu mới nhất về người già được thực hiện năm 2011 chỉ ra rằng 90% bô lão Việt không có tiền tiết kiệm, trong khi vẫn còn đó những khoản nợ chắc đến kiếp sau mới trả hết được. Các khoản trợ cấp dành cho người già, cán bộ công chức về hưu sẽ đặt lên vai nền kinh tế một gánh nặng không tưởng.
Đến năm 2050, tức là cũng chỉ khoảng hơn 30 năm nữa thôi, quỹ lương hưu dự kiến sẽ đẩy chi tiêu chính phủ lên mức 8% GDP. Một con số cao khủng khiếp, một tốc độ quá chóng mặt so với 12 quốc gia châu Á được thực hiện khảo sát.
“Chưa giàu đã già”, màu xám đang bao trùm lên bức tranh kinh tế của đất nước, đặc biệt đậm màu hơn ở những vùng sâu, vùng xa. Trước đây, con cái sẽ sống chung và chăm sóc cha mẹ. Ngày nay, người trẻ rời bỏ quê hương ngày một nhiều để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn nơi thành thị.
Khảo sát cũng cho thấy, ngày càng nhiều người già chọn cuộc sống đơn độc, đặc biệt là ở các vùng quê, họ sẽ cày cấy, buôn bán mấy thứ vặt vãnh và sống trong buồn chán cho đến khi ra đi. 40% đàn ông ở các vùng quê vẫn phải oằn lưng làm những công việc nặng nhọc cho đến tận 75 tuổi, trong khi những người bạn đồng niên của họ đang thảnh thơi đi bộ vài vòng quanh hồ Thủ Lệ.
Cơn đau đầu thứ hai: Chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người già là một nỗi lo không hề nhỏ. Bệnh Alzheimer, bệnh tim, các bệnh liên quan đến lão hóa đang ngày một gia tăng.
Cụ Toàn, một cụ ông 78 tuổi trong chiếc áo thể thao màu trắng tâm sự: những ngày tháng còn lại của ông gắn liền với thuốc men và chỉ thị của bác sĩ. Người trẻ thì háo hức chờ đợi con tim mình được “rung động”, người già phải dùng thuốc và tập thể dục để duy trì nó “rung bình thường thôi”.
Số liệu trong bài báo từ Economist cho thấy ⅓ số người trên 60 tuổi ở Việt Nam không có bảo hiểm y tế, khiến cho chi phí chữa bệnh bị đội lên rất cao. Nhiều tỉnh thành còn chẳng có chuyên khoa tim mạch. Các đơn vị cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế mọc lên phần nào giải quyết được tình trạng đó, nhưng y tế địa phương không có đủ nguồn nhân lực, thiết bị và cơ sở vật chất hiện đại để đáp ứng những nhu cầu điều trị cho các bệnh lí phức tạp hơn.
Để từng bước giải quyết tình trạng đó, chính phủ đã bắt đầu có những động thái nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính và cải thiện chất lượng cuộc sống của người già. Năm ngoái, các quy định về kế hoạch hóa gia đình được nới lỏng.
Tháng 5 vừa rồi, Việt Nam tuyên bố sẽ tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 60 với nữ và 60 đến 62 với nam giới, tái cấu trúc mô hình quỹ lương hưu để có thể hỗ trợ tối đa cuộc sống của người lao động sau khi về hưu.
Năm tới, chính phủ có kế hoạch “tân trang” lại toàn bộ hệ thống bảo hiểm sức khỏe và trợ cấp xã hội.
Tiếc rằng, những nét vẽ mờ nhạt đó không làm cho bức tranh kinh tế trở nên tươi sáng đáng kể.
Thông thường, một quốc gia muốn leo nhanh hơn trên nấc thang thu nhập thì phải chuyển đổi từ canh tác sang các ngành nghề khác như công nghiệp và dịch vụ. Trên khía cạnh này, chúng ta đã thụt lùi so với những người hàng xóm từ rất lâu rồi.
Năm 2013, năm “thanh xuân” rực rỡ nhất của dân số Việt Nam, nông nghiệp vẫn chiếm 18% tỉ trọng nền kinh tế.
Trung Quốc trong những năm tháng “trẻ đẹp” nhất, tỉ trọng nông nghiệp của họ chỉ chiếm 10%.
Đáng buồn hơn, vòng đời của sản phẩm nông nghiệp càng ngày càng ngắn, trong khi nông dân càng ngày càng “thọ”. Quá phụ thuộc vào làm nông chính là lý do ⅓ lao động Việt Nam đang chôn vùi cuộc đời mình trong những công việc kém hiệu quả, trong khi thời gian của họ không còn nhiều.
Ai cũng phải già đi thôi, nhưng dân tộc ta đang già đi nhanh quá!
Nếu bạn cảm thấy lo lắng vì sắp 30 rồi còn “chưa làm được trò trống gì”, thì 80 triệu người như bạn, cũng cùng một mối lo âu như bạn, chính nỗi lo chung của dân tộc.
“Sắp già rồi mà chưa giàu”.
Dựa theo bài viết đăng tải trên Economist
TPCC; DESIGN: HOÀNG ANH/Helino