Số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hiện nay được công bố dựa trên chỉ số "khách cứ vào đến Việt Nam, qua biên giới, đóng đấu bụp một cái thì đấy là khách du lịch quốc tế và con số chúng ta công bố hàng năm của ngành du lịch chính là con số này".

Chuyên gia thống kê cho biết, số lượng khách du lịch bị tính trùng và khiến con số thống kê đưa ra khác so với con số thực tế.

Tải hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch TP Đà Nẵng đến năm 2030” do UBND TP Đà Nẵng tổ chức mới đây, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Việt Nam nhận định, con số thống kê du khách quốc tế vào Việt Nam không thực chất.

Cụ thể, con số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hiện nay được công bố dựa trên chỉ số "khách cứ vào đến Việt Nam, qua biên giới, đóng đấu bụp một cái thì đấy là khách du lịch quốc tế và con số chúng ta công bố hàng năm của ngành du lịch chính là con số này".

Thế nhưng, theo ông Lương, trong con số này có cả khách quốc tế vào Việt Nam nhưng để đi lao động, học tập, chưa kể những người này một năm đi ra đi vào nhiều lần.

Do đó, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Việt Nam cho rằng, con số khách du lịch quốc tế đúng nghĩa vào Việt Nam chắc chắn phải thấp hơn.

Theo Luật Du lịch 2017, khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc để nhận thu nhập ở nơi đến. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch. Còn khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam đi du lịch trong lãnh thổ Việt Nam.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Tăng Văn Khiên, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thống kê, số liệu thống kê khách du lịch quốc tế hàng năm được Tổng cục Du lịch đưa ra dựa trên số liệu Tổng cục Thống kê, mà Tổng cục Thống kê dựa vào Hải quan và Công an là chính, còn con số khách nội địa được Tổng cục Du lịch dựa vào báo cáo tổng hợp từ các đơn vị dịch vụ du lịch nhưng chưa được công bố trong niên giám thống kê.

Với sự thận trọng của người làm công tác thống kê, PGS.TS Tăng Văn Khiên không khẳng định số lượng khách du lịch dựa vào thống kê cao hơn hay thấp hơn con số thực tế nhưng ông nhấn mạnh, có tình trạng tính trùng khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nội địa.

425 1 Thong Ke Khach Du Lich Khong Thuc Chat Su That La

Thống kê khách du lịch quốc tế tới Việt Nam, theo chuyên gia, chưa thực chất. Ảnh minh họa

Ông dẫn ví dụ, một người vào Đà Nẵng du lịch thì sẽ được dịch vụ du lịch ở Đà Nẵng tổng hợp thông tin, tính vào lượng khách du lịch ở tỉnh này, sau đó người này vào TP.HCM thì cũng được TP.HCM tính vào lượng khác du lịch của TP. Các tỉnh, thành báo cáo lên, tổng hợp thành lượng khách du lịch nội địa của cả nước, trong đó có một lượng khách du lịch nhất định bị tính trùng.

Đối với khách du lịch quốc tế (ở đây tính theo lượt khách), việc tính toán được Tổng cục Du lịch dựa theo số liệu xuất nhập cảnh qua Hải quan. Trong số khách vào Việt Nam, có người vào với mục đích du lịch, có người vào với mục đích không phải du lịch.

"Trong tờ khai, khi tổng hợp lên vẫn ghi mục đích khách vào Việt Nam, nhưng không thể bóc tách hết được khách vào Việt Nam mang mục đích du lịch; khách vào Việt Nam với mục đích học tập, lao động... hay khách vào với mục đích kết hợp; kết hợp ở mức độ nào thì được coi là du lịch, ở mức độ nào thì không coi là du lịch... Bởi khái niệm du lịch ở ta chưa thật chuẩn, và thống kê chỉ là  tương đối, bù trừ cho nhau nên phải chấp nhận", PGS.TS Tăng Văn Khiên nói. 

Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thống kê khẳng định, với khách du lịch quốc tế dù sao vẫn xác định rõ có người vào người ra, còn khó nhất là du lịch nội địa vì việc tính lượng khách du lịch chỉ là một phần, quan trọng là từ số khách đó tính ra chỉ tiêu chi tiêu bình quân của một khách, trên cơ sở đó nhân với tổng số khách du lịch để ra tổng chi tiêu. Tổng chi tiêu của khách du lịch được tính trong tài khoản vệ tinh để xác định đóng góp của ngành du lịch đóng góp vào GDP là bao nhiêu.

Dù thừa nhận có tình trạng tính trùng khi thống kê khách du lịch song vị chuyên gia cũng lưu ý để loại trừ tính trùng, đơn vị thống kê phải chọn mẫu thật kỹ.

"Nếu khâu chọn mẫu làm tốt, kỹ càng thì không cần phải làm nhiều, chỉ cần chọn mẫu với đủ đại diện, sai số khai có đúng không thì vẫn loại trừ được.

Càng những chỉ tiêu nhạy cảm thì càng khó điều tra. Chẳng hạn, khi điều tra thu nhập của người dân và các hộ gia đình, sai dễ thường lớn bởi các đối tượng được điều tra ít khi nói hết thu nhập của mình.

Ở các nước, để có được mức thu nhập của người dân, họ điều tra số lớn, sau đó lại chọn ra một phần rất nhỏ trong đó làm kỹ, so sánh số trước đây với hiện tại để ra một hệ số, rồi dùng hệ số ấy để điều chỉnh chung", PGS.TS Tăng Văn Khiên nói.

Về giải pháp sử dụng "tài khoản vệ tinh" mà PGS.TS Phạm Trung Lương đề cập tại hội thảo để có được thống kê chuẩn về ngành du lịch, PGS.TS Tăng Văn Khiên cho biết, khi còn công tác, ông có nghiên cứu về "tài khoản vệ tinh". Nếu theo số liệu mà ngành thống kê công bố thì ngành du lịch chỉ đóng góp rất ít, trong khi thực tế ngành du lịch đóng góp lan tỏa cho các ngành khác, từ vận tải tới lưu trú, ăn uống, giải quyết công ăn việc làm...

"Nếu tính theo tài khoản vệ tinh thì chi tiêu của khách du lịch được phân ra cho ăn uống, đi lại, mua sắm, vui chơi giải trí... trên cơ sở đó tính ra tổng chi tiêu, trừ đi chi phí trung gian thì sẽ ra giá trị tăng thêm mà ngành du lịch tạo ra. Từ giá trị ấy sẽ tính được đóng gió của ngành này vào GDP. Đó là cách tiếp cận của tài khoản vệ tinh", PGS.TS Tăng Văn Khiên chỉ rõ.

Từ những phân tích trên, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thống kê lưu ý, thống kê là căn cứ để đánh giá, định hướng, trên cơ sở đó đưa ra giải pháp phù hợp với thực tế. Còn nếu số liệu thống kê sai sẽ khiến việc định hướng bị sai lầm, giải pháp không phù hợp.

Thành Luân

 

Nguồn: Báo ĐẤT VIỆT


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài


Deprecated: htmlspecialchars(): Passing null to parameter #1 ($string) of type string is deprecated in /var/www/vhosts/tapchicanada.com/httpdocs/modules/mod_search/mod_search.php on line 44