Du học xa nhà lâu ngày có thể khiến du học sinh tạm thời mất đi kết nối với đời sống văn hóa và thị trường lao động trong nước. Làm sao để thích nghi và thành công khi trở về?

‘Chìa khóa’ thích nghi của du học sinh khi về nước - 0

Hai cựu học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) chia sẻ những điều họ trải qua sau nhiều năm dài du học.

Chuyến đi dài 9 năm

Nguyễn Bác Huy lớn lên trong sự hướng dẫn của người cha là một tiến sĩ giáo dục, một nhà sư phạm nổi tiếng và là hiệu trưởng một trường chuyên ở TP.HCM.

19 tuổi cha mẹ mới đồng ý cho Huy đi du học, nhưng Huy đã đi một mạch tới… 9 năm. Bạn học đại học ở Queensland (Úc) rồi học tiếp thạc sĩ tại đại học Queensland (UQ) và ở lại làm việc thêm 3 năm nữa.

Là dân chuyên toán, Huy phải mất nhiều thời gian để rèn luyện tiếng Anh trong môi trường hoàn toàn mới ở một đất nước khác. Bạn nhớ lại: “Mới đặt chân đến Úc, mọi thứ với tôi đều mới toanh. Văn hóa có nhiều khác biệt, từ từ ngữ, món ăn, cách ăn mặc, tư duy và hành động đều khác.

Rào cản về ngôn ngữ rất lớn do tôi chuyển từ tiếng Pháp qua tiếng Anh mới có mấy tháng. Ban đầu chưa dám nói chuyện nhiều với người Úc vì sợ họ nói nhanh mình nghe không kịp, nhưng gia đình đã đoán trước được điều đó và đã đăng ký cho tôi ở kí túc xá cùng với sinh viên Úc. Để tồn tại, tôi phải dùng tiếng Anh”, Huy chia sẻ.

Huy còn phải “chống chọi” với nỗi nhớ nhà, đặc biệt là những món ăn thuần Việt: “Tôi nhớ có những lúc thèm những món ăn quê nhà quá phải tìm ngay những quán Việt Nam, nhưng giá đắt mà chất lượng không thể bằng ở nhà”.

Sau khi về Việt Nam, Huy gặp cả khó khăn lẫn thuận lợi. Khó khăn là phải đánh đổi một cơ hội việc làm tốt ở Úc – nơi có điều kiện tốt hơn Việt Nam, nhưng sống ở Việt Nam, bạn thấy mình có được sự ấm áp khi ở bên gia đình, ngoài ra chi phí sinh hoạt ở Việt Nam cũng không đắt đỏ như ở Úc.

Huy hiện đang giảng dạy tại một trường đại học, và cũng đang đi đi về về giữa Việt Nam và Úc để thực hiện luận án tiến sĩ về toán.

Từ kinh nghiệm của mình, bạn khuyên các du học sinh tương lai hãy chuẩn bị thật tốt nền tảng tiếng Anh cũng như trang bị kiến thức thật chu đáo về quốc gia mình sẽ tới học tập và sinh sống.

Ngôn ngữ và văn hóa là chìa khóa để hòa nhập và sống sót”, Huy khẳng định.

Cú sốc văn hóa ngược

 ‘Chìa khóa’ thích nghi của du học sinh khi về nước - 1

Có người cha là một giáo sư lịch sử, một trong những người Việt Nam đầu tiên học đại học Harvard và hiện là hiệu trưởng một trường ĐH lớn ở khu vực phía Nam, 17 tuổi An Võ đã sang Mỹ học trung học phổ thông ở trường Brentwood (Los Angeles) theo chương trình học bổng ASSIST danh tiếng với hỗ trợ tài chính toàn phần.

Sau đó, bạn học tiếp đại học ở trường đại học Mount Holyoke (Amherst) với học bổng toàn phần trị giá 200.000 USD vào thời điểm đó.

Với khả năng tiếng Anh tốt, An Võ hòa nhập rất nhanh vào đời sống mới trên đất Mỹ, không cảm thấy khó khăn gì về mặt văn hóa. Nhưng đồ ăn là câu chuyện nan giải vì nơi bạn sống rất ít người châu Á, do vậy không thể tìm được đồ ăn Việt Nam. Giải pháp của bạn là “mình phải thích nghi thôi!”.

Trong suốt thời gian du học, An Võ hầu như không có cơ hội nói tiếng Việt. Cuộc sống của bạn “hoàn toàn Mỹ” với 100% đời sống và việc học tập bằng tiếng Anh. Khi về nước sau 6 năm ở Mỹ và 1 năm ở Pháp, bạn đã bị “sốc văn hóa ngược”.

Vốn từ tiếng Việt của bạn không còn được phong phú, nói gì cũng trộn tiếng Anh vào với tiếng Việt khiến người đối diện không dễ dàng hiểu ý của mình.

Hiện An Võ đã sớm tìm ra con đường đi riêng trong sự nghiệp. Ở tuổi 25, bạn là giám đốc phụ trách tuyển dụng nhân tài khu vực Đông Á cho một tập đoàn lớn của Anh.

“Nếu các bạn du học sinh muốn quay trở lại Việt Nam làm việc, cần chú ý trau dồi tiếng Việt trở lại để dễ hòa nhập, đồng thời cũng nên dành thời gian xây dựng các mối quan hệ thông qua các chương trình thực tập hay các sự kiện kết nối (networking). Và quan trọng nhất, hãy giữ một tinh thần “mở” để có thể xoay chuyển linh hoạt”, An Võ chia sẻ.

Bạn cũng nhấn mạnh: “Đừng áp đặt những thứ ở bên ngoài cho Việt Nam và lấy những trải nghiệm của mình để đánh giá những thứ xung quanh mà hãy luôn khiêm nhường và tăng cường học hỏi, tôn trọng những điểm khác biệt mà bạn sẽ nhìn thấy”.

Mối liên lạc với gia đình, bạn bè và sự hỗ trợ của báo chí trong nước có thể giúp các du học sinh vừa đỡ cô đơn khi xa nhà, vừa dễ dàng hòa nhập trở lại khi về nước”, An Võ nói.

Nguồn: tuoitre


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài


Deprecated: htmlspecialchars(): Passing null to parameter #1 ($string) of type string is deprecated in /var/www/vhosts/tapchicanada.com/httpdocs/modules/mod_search/mod_search.php on line 44