Tổng thống Macron muốn thuyết phục Trung Quốc thúc đẩy đàm phán xung đột Ukraine, song nỗ lực này vấp phải nhiều hoài nghi và tranh cãi ở châu Âu.

Chiến lược của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong đó vạch ra khuôn khổ cho các cuộc đàm phán giữa Kiev và Moskva vào mùa hè, có thể đi ngược lại yêu cầu của Ukraine rằng Nga phải rút hoàn toàn khỏi các vùng lãnh thổ đang kiểm soát. Một số đồng minh của Ukraine cũng cho rằng kịch bản đàm phán còn quá sớm và lo ngại nỗ lực của ông Macron sẽ làm suy yếu nền tảng thống nhất của châu Âu.

"Ông Macron đang làm những điều mà một lãnh đạo phương Tây không nên làm. Ông ấy lấy đâu ra niềm tin rằng Trung Quốc có thể được tin tưởng như một nhà hòa giải đáng tin cậy trong tình hình hiện tại?", Marko Mihkelson, chủ tịch ủy ban đối ngoại của nghị viện Estonia, nói với đài truyền hình ERR ngày 19/4.

Một người phát ngôn của Điện Elysee nói rằng trong chuyến thăm của ông Macron tới Bắc Kinh đầu tháng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết ông sẵn sàng làm việc để thúc đẩy đàm phán. Tuyên bố thêm rằng quan chức ngoại giao hai nước sẽ trao đổi quan điểm về "cách đạt được hòa bình mà vẫn tôn trọng quyền hợp pháp của Ukraine".

Tổng thống Macron nói với ông Tập rằng "cuộc đàm phán nên được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế và chủ quyền của Ukraine", theo tuyên bố. "Ông nói chỉ có người Ukraine mới có quyền quyết định trong vấn đề này".

1 Chien Luoc Hoa Binh Ukraine Gay Tranh Cai Cua Ong Macron

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tich Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 6/4. Ảnh: Reuters

Một số người bày tỏ hoài nghi về vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc, bởi nước này từng tuyên bố "tình hữu nghị không giới hạn" với Nga. Hai nước nhiều lần cam kết tăng cường quan hệ, trong đó có lời kêu gọi ngày 17/4 về tăng cường hợp tác giữa quân đội hai nước.

Một nhà ngoại giao châu Âu ở Bắc Kinh nói rằng Pháp có thể thành công trong việc đưa các bên ngồi vào bàn đàm phán, nhưng sau đó sẽ không biết làm gì tiếp theo.

Mikhail Podolyak, người phát ngôn của Tổng thống Ukraine, nói rằng Kiev không thể hình dung bất kỳ thỏa thuận nào cho phép Nga duy trì kiểm soát hiện trạng lãnh thổ.

"Đó không phải kế hoạch hòa bình, mà là cách bắt ép Ukraine phải đầu hàng", Podolyak nói. "Người ta có thể đưa ra bất kỳ sáng kiến hòa bình nào, nhưng cần có một điểm chính là Nga phải rút hết quân. Nếu điều khoản này được đưa vào, nó có thể được xem là kế hoạch nghiêm túc".

Tổng thống Macron đã thực hiện nhiều nỗ lực ngoại giao đơn phương để tìm giải pháp cho khủng hoảng Ukraine. Sau nhiều lần thất bại, ông tới Trung Quốc hồi đầu tháng 4, tìm cách thuyết phục ông Tập điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tuy nhiên, ông sau đó rời Bắc Kinh mà không có cam kết này từ ông Tập, người đã không nói chuyện với lãnh đạo Ukraine kể từ khi xung đột bắt đầu cuối tháng 2 năm ngoái.

Lãnh đạo Pháp giữ liên lạc thường xuyên với Tổng thống Putin trong 6 năm qua và từng trải thảm đỏ đón lãnh đạo Nga ở Versailles chỉ một tháng sau cuộc bầu cử năm 2017. Ông Macron tới Moskva hồi giữa tháng 2/2022 để tìm cách thuyết phục Nga không tiến hành chiến dịch ở Ukraine nhưng không thành công.

Các quan chức Pháp khi đó cho biết họ đã nhận được cam kết từ ông Putin rằng sẽ không leo thang căng thẳng, nhưng Điện Kremlin phủ nhận. Hai tuần sau, Nga phát động chiến dịch ở Ukraine.

Tổng thống Macron trước đây nói rằng ông nhận thấy vai trò quan trọng của Trung Quốc và nhờ mối quan hệ với Nga, Bắc Kinh có thể thuyết phục Moskva chấm dứt chiến sự. Bắc Kinh cho đến nay chưa cho thấy dấu hiệu sẵn sàng gây áp lực với Moskva để Nga rút quân.

"Ông Macron dường như tin rằng có thể giúp họ thay đổi lập trường bằng sự thông minh và sức hấp dẫn chính trị của mình. Nhưng ông ấy có lẽ đã nhầm", Thomas Gomart, người đứng đầu Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, nói.

Về phía Nga, Tổng thống Putin không thể hiện dấu hiệu nào cho thấy mục tiêu chiến dịch của ông thay đổi, chứ chưa nói đến sẵn sàng rút toàn bộ lực lượng khỏi Ukraine. Giới quan sát cho rằng thực tế này cho thấy triển vọng đàm phán hòa bình hiện còn xa vời.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng minh lâu năm của châu Âu, lao dốc, bình luận của lãnh đạo Pháp trong chuyến thăm Bắc Kinh có thể khiến quan hệ với Washington trở nên căng thẳng và bộc lộ chia rẽ trong EU, khi cho rằng châu Âu phải duy trì "quyền tự chủ chiến lược".

"Là bạn không có nghĩa là chư hầu. Là đồng minh không có nghĩa là chúng ta không còn quyền suy nghĩ cho bản thân", ông Macron nói ngày 19/4, lặp lại bình luận ông từng đưa ra tại Bắc Kinh, khiến một số đồng minh châu Âu lo ngại.

2 Chien Luoc Hoa Binh Ukraine Gay Tranh Cai Cua Ong Macron

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) đón người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Kiev ngày 20/2. Ảnh: AFP

Nhiều người thậm chí cho rằng Ukraine sẽ hoài nghi về mục đích thúc đẩy chiến lược đàm phán của Tổng thống Pháp. "Họ chắc chắn không tin tưởng ông ấy vì đã tới Trung Quốc. Họ đang nói rằng ông Macron chỉ có một mục đích là đề cao hình ảnh bản thân và không quan tâm sẽ đẩy ai vào tình thế khó khăn để đạt được điều đó", Iain Duncan Smith, cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ ở Anh, nói.

Rym Momtaz, thành viên Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho rằng bất kỳ nỗ lực hợp tác nào với Trung Quốc trong vấn đề Ukraine mà không có sự phối hợp đầy đủ với các đối tác châu Âu và Mỹ sẽ chỉ khiến Pháp bị cô lập hơn.

Justin Crump, chuyên gia tại công ty tư vấn rủi ro địa chính trị và tình báo Sibylline, cho rằng vấn đề lớn nhất trong chiến lược của ông Macron là phương Tây không tin vào vai trò trung gian của Trung Quốc, do mối quan hệ gần gũi với Nga.

"Việc Tổng thống Pháp tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc sẽ gây ra cuộc tranh cãi lớn hơn và tạo cơ hội cho các đối thủ gây chia rẽ phương Tây nhiều hơn", Crump nhận định.

Thanh Tâm (Theo Bloomberg, Telegraph, El Pais)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài


Deprecated: htmlspecialchars(): Passing null to parameter #1 ($string) of type string is deprecated in /var/www/vhosts/tapchicanada.com/httpdocs/modules/mod_search/mod_search.php on line 44