Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Syria. Tuy nhiên, thỏa thuận này còn nhiều điều chưa rõ và không biết sẽ được thực thi ra sao.

425 1 Mo Ho Thoa Thuan Ngung Ban O Dong Bac Syria

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (giữa, phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (giữa, trái) tại cuộc gặp ở Ankara ngày 17/10. Ảnh: THX/TTXVN

 

Theo tờ Vox, thỏa thuận mà Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vừa đạt được ngày 17/10 diễn ra hơn một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút binh sĩ ra khỏi khu vực người Kurd kiểm soát ở Đông Bắc Syria. Động thái bị coi là dọn đường cho chiến dịch chống người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, điều khoản trong thỏa thuận ngừng bắn mà Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vừa thông báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Ankara vẫn mơ hồ. Thậm chí giới chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ còn không gọi đó là "thỏa thuận ngừng bắn". Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói: "Chúng tôi đã có điều chúng tôi muốn. Đây không phải là ngừng bắn. Chúng tôi chỉ ngừng chiến dịch".

Nhiều điều chưa rõ

 

425 2 Mo Ho Thoa Thuan Ngung Ban O Dong Bac Syria

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại cuộc gặp ở Ankara ngày 17/10. Ảnh: THX/TTXVN

 

Theo ông Pence, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý ngừng bắn 120 giờ (5 ngày). Trong thời gian này, các tay súng thuộc Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) sẽ rút khỏi khu vực an toàn gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. YPG là lực lượng người Kurd ở Syria sát cánh với Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Thỏa thuận cũng yêu cầu YPG giao nộp vũ khí hạng nặng và dỡ bỏ các công sự.

Đổi lại, Mỹ sẽ không áp đặt thêm biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu thỏa thuận ngừng bắn lâu dài có hiệu lực, Mỹ sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đã áp đặt với Thổ Nhĩ Kỳ vì xâm lược Syria.

Khi đọc toàn văn thỏa thuận, có thể thấy nhiều vấn đề vẫn chưa được làm rõ trong thỏa thuận.

Thứ nhất, không rõ người Kurd ở Syria có được tham vấn về mọi điều khoản trong thỏa thuận mà Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vừa đạt được hay không. Thứ hai, việc người Kurd tuân thủ thỏa thuận tới đâu vẫn còn mơ hồ.

Ông Mazlum Abdi, thủ lĩnh Lực lượng Dân chủ Syria (trong đó YPG là thành phần chính) cho biết họ sẽ chấp nhận ngừng bắn, nhưng nói rõ: "Lệnh ngừng bắn này áp dụng với khu vực mà giao tranh vẫn diễn ra lúc này, có nghĩa là khu vực giữa các thị trấn Ras al-Ayn và Tal Abyad". Ông Adbi nói thêm rằng nếu muốn ngừng bắn ở những khu vực khác thì cần thảo luận thêm, đồng thời khẳng định lực lượng YPG sẽ chỉ rút lui một khi các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ cũng rút quân.

Phó Tổng thống Pence cho biết Mỹ đã nhận đảm bảo từ YPG rằng họ sẽ đồng ý ngừng bắn. Tuy nhiên, dường như thiếu sự nhất quán giữa những gì mà Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ nói với những gì mà người Kurd nói về thỏa thuận ngừng bắn.

 

425 3 Mo Ho Thoa Thuan Ngung Ban O Dong Bac Syria

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 16/10. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Thỏa thuận này cũng không đề cập tới Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như Nga và Iran – những bên là đồng minh với người Kurd ở Syria. Do thỏa thuận nói về các khu vực người Kurd kiểm soát ở Syria và do Tổng thống Assad và Thổ Nhĩ Kỳ là hai bên đối lập trong cuộc chiến ở Syria nên chắc chắn ông Assad sẽ không để yên cho Thổ Nhĩ Kỳ chiếm lãnh thổ Syria.

Mặc dù ông Pence ca ngợi Tổng thống Trump vì đã cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng theo tờ Vox, dường như chính Thổ Nhĩ Kỳ mới là bên giành được điều họ muốn, còn Mỹ đã phải nhượng bộ ở Syria. 

Dù vậy, Tổng thống Trump vẫn tự hào coi đây là "ngày vĩ đại cho nền văn minh". Ông viết trên Twitter: "Tôi tự hào vì nước Mỹ đã cùng tôi đi theo con đường cần thiết cho dù không phải là con đường truyền thống. Mọi người đã tìm cách đạt thỏa thuận này nhiều năm nay rồi. Sẽ cứu hàng triệu sinh mạng".

Được, mất của các bên

Thỏa thuận ngừng bắn nếu được duy trì thì ít nhất sẽ ngừng cảnh đổ máu ở Bắc Syria. Tuy nhiên, thỏa thuận không có mấy tác dụng trong giải quyết căng thẳng âm ỉ hoặc đảo ngược cuộc tấn công người Kurd ở Syria trong tuần qua.

Thỏa thuận cũng không có nhiều chi tiết quan trọng. Dù vậy, cả Tổng thống Trump và Erdogan đều tuyên bố đây là chiến thắng. Nó sẽ tạo cho ông Trump cơ hội tuyên bố thành công, còn ông Erdogan thì đạt mọi thứ mình muốn: đó là nới lỏng trừng phạt từ Washington và thiết lập một vùng đệm an toàn ở biên giới phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ không có các tay súng YPG.

Ông Jassmine El-Gamal, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định: "Đây là chiến thắng lớn với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan được Mỹ đảm bảo rằng mối quan ngại của ông là hợp pháp. Thậm chí nếu Mỹ không đồng ý như vậy thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể tự coi hành động của mình là hợp pháp".

 

425 4 Mo Ho Thoa Thuan Ngung Ban O Dong Bac Syria

Thành viên SDF tại Deir Ezzor, Syria, ngày 10/4. Ảnh: AFP/TTXVN

 

 

Về phía người Kurd, những gì họ đạt được thỏa thuận không rõ ràng như vậy. Đây chỉ là cơ hội để họ bảo toàn mạng sống khi rời khỏi mảnh đất mà họ đã chiến đấu và nắm giữ nhiều năm qua.

Về phía các nhân tố khác tại Syria, đây có thể là chiến thắng với ông Assad và Nga.

Tổng thống Assad và người Kurd ở Syria đã đạt thỏa thuận để cùng chống Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Mỹ rút hoàn toàn khỏi khu vực. Thỏa thuận này giúp ông Assad đưa quân di chuyển vào vùng mà người Kurd chiếm lại từ IS.

Ngày 22/10, khi thỏa thuận ngừng bắn hết hạn, Tổng thống Erdogan sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Sochi (Nga). Lực lượng Nga đã vào khu vực mà Mỹ bỏ đi và hiện giờ Nga có thể là bên có ảnh hưởng lớn với ông Assad và Thổ Nhĩ Kỳ. Sức ảnh hưởng này rất có thể sẽ thay đổi cục diện cuộc nội chiến Syria.

 

425 5 Mo Ho Thoa Thuan Ngung Ban O Dong Bac Syria

Binh sĩ Syria tại căn cứ không quân Tabqa ở Raqa, miền bắc Syria, ngày 16/10. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ và ông Assad là hai bên đối lập trong cuộc chiến nhưng ông Erdogan đang trên đường đạt được mục tiêu cơ bản là làm suy yếu và đẩy lùi người Kurd, còn ông Assad đang trên đà giành lại một phần lãnh thổ rộng lớn, từ tay người Kurd.

Theo ông Soner Cagaptay, phụ trách chương trình nghiên cứu về Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, khả năng này đang dọn đường để hòa giải giữa Tổng thống Assad và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Soner cho rằng Tổng thống Assad có thể sẵn sàng dùng mối quan hệ mới với người Kurd làm đòn bẩy đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu điều đó xảy ra, Tổng thống Assad và Nga sẽ là bên hưởng lợi nhất. Bên mất nhiều thứ nhất chính là người Kurd và dân thường.

Một vấn đề chưa được giải quyết trong thỏa thuận ngừng bắn là IS. SDF đã canh gác các nhà tù giam 12.000 tù nhân IS và trại tị nạn al-Hol, nơi ở của 70.000 thành viên gia đình của các tay súng IS. Thỏa thuận giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hai bên sẽ điều phối về vấn đề các nhà tù giam IS.

Tuy nhiên, không phải nhà tù nào cũng nằm trong vùng đệm mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách thiết lập. Mỹ cũng sẽ không kiểm soát những khu vực này.

Dù thế nào đi chăng nữa thì nếu xảy ra thêm hỗn loạn, các phần tử IS sẽ có cơ hội vượt ngục và biến khu vực thành mảnh đất màu mỡ để tuyển mộ thêm thành viên, tái xây dựng lực lượng.

Những điều nói trên vẫn là vấn đề lớn cho dù thỏa thuận ngừng bắn diễn ra theo đúng kế hoạch.

Còn nếu không theo đúng kế hoạch, hiện chưa rõ các bên có lựa chọn nào không.

 

 

Thùy Dương/Báo Tin tức


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài


Deprecated: htmlspecialchars(): Passing null to parameter #1 ($string) of type string is deprecated in /var/www/vhosts/tapchicanada.com/httpdocs/modules/mod_search/mod_search.php on line 44