Các nghị sĩ đảng Cộng hòa cảnh báo phe Dân chủ sẽ chiếm ưu thế trong năm bầu cử nếu Chủ tịch Hạ viện Johnson bị phế truất.

Gần 6 tháng sau khi nhậm chức, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đang đối mặt nguy cơ bị phế truất, khi nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn Marjorie Taylor Greene ngày 22/3 nộp "kiến nghị bãi nhiệm" ông.

Ba nghị sĩ Cộng hòa cho biết bà Greene đã ký đơn và chuyển cho thư ký Hạ viện khi cơ quan này đang bỏ phiếu thông qua dự luật ngân sách 1.200 tỷ USD. Dự luật giúp chính phủ Mỹ thoát nguy cơ đóng cửa từ 0h ngày 23/3. Những nghị sĩ Cộng hòa cứng rắn phẫn nộ cáo buộc ông Johnson thỏa hiệp với phe Dân chủ khi thông qua dự luật.

"Đây là hành động phản bội người dân Mỹ, phản bội cử tri Cộng hòa", bà Greene nói. "Dự luật đó là giấc mơ, mong ước của phe Dân chủ và Nhà Trắng. Dự luật do lãnh đạo Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer soạn thảo, không phải từ phía Cộng hòa và chúng ta thậm chí còn không có cơ hội để chỉnh sửa".

Hiện chưa rõ kiến nghị miễn nhiệm ông Johnson do bà Greene đưa ra có thể nhận được bao nhiêu sự ủng hộ. Một số nghị sĩ cực hữu của đảng Cộng hòa từng xúc tiến và thành công với nỗ lực lật đổ Kevin McCarthy, người tiền nhiệm của ông Johnson.

Kiến nghị miễn nhiệm chủ tịch Hạ viện từng là quy trình rất khó khăn và phức tạp. Theo quy định được thông qua vào năm 2019, kiến nghị đó trước hết phải được biểu quyết trong nội bộ đảng. Chỉ khi được đa số nghị sĩ trong đảng ủng hộ, kiến nghị mới được đem ra bỏ phiếu ở Hạ viện.

Tuy nhiên, McCarthy cùng các đồng minh hồi tháng 1/2023 đã đồng ý nới lỏng quy định này như một điều kiện để phe cực hữu ủng hộ ông nhậm chức Chủ tịch Hạ viện. Quy định mới cho phép bất cứ nghị sĩ nào, dù thuộc đảng Cộng hòa hay Dân chủ, đều có quyền đệ trình "nghị quyết tuyên bố văn phòng Chủ tịch Hạ viện vô chủ" mà không cần thêm sự ủng hộ từ ai khác.

Sau khi nghị sĩ này đặt vấn đề trong phiên họp toàn thể và yêu cầu bỏ phiếu, Hạ viện phải quyết định chấp thuận hay phản đối trong hai ngày hành chính. Nếu chấp thuận, toàn bộ Hạ viện sẽ bỏ phiếu và chỉ cần đa số nghị sĩ tham gia ủng hộ nghị quyết, chủ tịch đương nhiệm sẽ mất chức.

Đây là những gì đã xảy ra với chính ông McCarthy. Tháng 9/2023, sau khi Hạ viện thông qua dự luật cấp ngân sách ngắn hạn cho chính phủ Mỹ, nghị sĩ Matt Gaetz cùng một số thành viên Cộng hòa cực hữu tức giận do không có những điều khoản mà họ yêu cầu. Gaetz kích hoạt nghị quyết, khiến ông McCarthy bị phế truất vào đầu tháng 10/2023.

Nhưng lần này, một số nghị sĩ từng bỏ phiếu phế truất McCarthy đã "dội gáo nước lạnh" vào đề xuất của bà Greene, nói họ không ủng hộ nỗ lực gạt bỏ Johnson do điều này có thể khiến đảng Cộng hòa phải trả giá.

"Tôi không nghĩ giờ là lúc phù hợp", nghị sĩ Cộng hòa Tim Burchett nói. Ông cho rằng loại bỏ một chủ tịch Hạ viện đảng Cộng hòa ngay trong năm bầu cử có thể mang lại chiến thắng cho phe Dân chủ. "Hành động bây giờ không khác nào bầu lãnh đạo phe Dân chủ Hakeem Jeffries làm chủ tịch Hạ viện".

1 Phe Cong Hoa Nguy Co Tra Gia Neu Phe Truat Chu Tich Ha Vien

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson tại Washington ngày 20/3. Ảnh: AFP

Nghị sĩ Greene giải thích rằng bà không buộc Hạ viện phải lập tức hành động, mà chỉ đang thiết lập cơ sở để cơ quan này xem xét vấn đề khi làm việc trở lại vào tháng 4, sau kỳ nghỉ hai tuần bắt đầu từ cuối tuần này.

"Điều tôi kỳ vọng là tất cả thành viên Cộng hòa có thời gian suy ngẫm, để khi trở lại có thể đoàn kết và thảo luận xem ai đủ năng lực và sẵn sàng dẫn dắt thế đa số của đảng", bà Greene trả lời CNN.

Nữ nghị sĩ chưa trao đổi với ông Johnson nhưng cho rằng chủ tịch Hạ viện "nhân nhượng vì yếu kém" và sẽ không rút lại kiến nghị. Bà cho biết mình vẫn "rất tôn trọng các thành viên Cộng hòa" và không làm gián đoạn các cuộc điều tra hay hoạt động của những ủy ban khác.

Greene từng hoài nghi về khả năng lãnh đạo của Johnson ngay khi ông nhậm chức. Greene chỉ trích phe cực hữu đã lật đổ McCarthy nhưng cũng cảnh báo Johnson suốt nhiều tháng rằng bà sẽ hành động tương tự nếu ông thúc đẩy Hạ viện thông qua gói hỗ trợ Ukraine.

"Ông ấy không nên duyệt thêm viện trợ cho Ukraine", bà Greene nói.

2 Phe Cong Hoa Nguy Co Tra Gia Neu Phe Truat Chu Tich Ha Vien

Nghị sĩ Cộng hòa Marjorie Taylor Greene. Ảnh: AFP

Ông Johnson hiện vẫn từ chối đưa dự luật chi tiêu khẩn cấp hơn 95 tỷ USD, trong đó có 60 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, ra bỏ phiếu tại Hạ viện, dù nó đã được Thượng viện nhất trí.

Phe Dân chủ ở Hạ viện đã kích hoạt quy trình "kiến nghị vượt quyền", động thái có thể khiến dự luật được đưa ra bỏ phiếu mà không cần Chủ tịch Hạ viện cho phép. Sức ép này khiến ông Johnson ngày 14/3 dường như đảo ngược quan điểm, gợi ý có thể sẽ sớm tổ chức bỏ phiếu về dự luật viện trợ Ukraine.

Phe Dân chủ dường như cũng đang tận dụng cơ hội. Một số nghị sĩ phe này như bà Abigail Spanberger ám chỉ sẽ "cứu" Johnson nếu ông chấp thuận đưa dự luật viện trợ Ukraine ra bỏ phiếu.

Raj Shah, phát ngôn viên của ông Johnson, cho biết Chủ tịch Hạ viện luôn lắng nghe ý kiến từ các thành viên đảng Cộng hòa, nhưng phải tập trung vào việc điều hành. "Ông ấy sẽ tiếp tục thúc đẩy các dự luật bảo thủ giúp bảo vệ biên giới, củng cố quốc phòng và phát triển thế đa số của chúng ta".

Hạ nghị sĩ Cộng hòa Tom Suozzi tuyên bố ủng hộ ông Johnson, cho rằng "thật lố bịch nếu ông ấy bị loại vì làm điều đúng đắn là ngăn chính phủ đóng cửa". Ngoài ra, nhiều thành viên Cộng hòa tại quốc hội đã cảm thấy mất mặt khi ông McCarthy bị phế truất, vì động thái thể hiện sự chia rẽ sâu sắc, đấu đá nội bộ đảng.

Ngay cả Gaetz cũng cảnh báo về ý định loại bỏ ông Johnson. "Khi đề nghị phế truất McCarthy, tôi đã cam kết rằng chúng ta sẽ không có một chủ tịch từ đảng Dân chủ... Tôi không thể đưa ra lời hứa tương tự lúc này", Gaetz nói.

Như Tâm (Theo AP, CNN)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài


Deprecated: htmlspecialchars(): Passing null to parameter #1 ($string) of type string is deprecated in /var/www/vhosts/tapchicanada.com/httpdocs/modules/mod_search/mod_search.php on line 44