Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho hay đây là chuyến giao hàng vũ khí hạng nặng đầu tiên từ Đức trong gói hỗ trợ vũ khí mà chính quyền Berlin đã hứa với Kiev.
Chuyến hàng gồm các xe tăng tự hành mang pháo Panzerhaubitze 2000, một trong những vũ khí pháo mạnh nhất của lực lượng vũ trang Đức Bundeswehr, có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 40 km.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov - Ảnh: REUTERS
Vào tháng 5, Đức đã cam kết cung cấp cho Kiev 7 xe pháo tự hành; trong khi Hà Lan cũng hứa 5 hệ thống pháo tương tự.
Người đứng đầu văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak cho biết Đức cũng hứa cung cấp cho nước này 30 xe tăng Gepard và 3 bệ phóng tên lửa MARS II, 500 tên lửa Stinger vác vai và nhiều loại vũ khí khác.'
Xe tăng tự hành mang pháo hạng nặng của Đức Panzerhaubitze 2000 - Ảnh: DW
Các quốc gia khác đã cung cấp xe pháo tự hành và xe pháo kéo cho Ukraine bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Na Uy và Ba Lan.
Nga "cảnh cáo" Lithuania
Theo Reuters, cũng vào hôm 21-6, Nga cảnh báo Lithuania hôm thứ Ba rằng họ sẽ phải đối mặt với các biện pháp có "tác động tiêu cực nghiêm trọng" vì chặn một số chuyến hàng bằng đường sắt đến vùng biển Kaliningrad của Nga, thuộc biển Baltic, như một phần của lệnh trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt lên Moscow liên quan đến xung độ Nga - Ukraine.
Để đáp lại các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã bắt đầu giảm khối lượng khí đốt cung cấp tới châu Âu thông qua Ukraine. Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu từ Biển Baltic ở phía bắc đến Adriatic ở phía nam đã vạch ra các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng nguồn cung, đặt năng lượng vào trung tâm của cuộc chiến kinh tế giữa Moscow và phương Tây.
Anh Thư
Nguồn: Báo điện tử Người Lao Động