Các mặt hàng thủy sản chủ lực vẫn giảm kim ngạch xuất khẩu nhưng cá khô, cá hộp xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng so với trước - Ảnh: THẢO THƯƠNG
Ngày 30-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - đã lý giải vì sao cá khô, cá hộp "lên ngôi".
Ông Hòe cho rằng xu hướng tiêu dùng đã thay đổi bởi lạm phát. Dẫn đến người tiêu dùng thay đổi thói quen, giá cả chi phối những cân đo đong đếm trong tiêu dùng.
"Tôi lấy ví dụ cá, người tiêu dùng ở các thị trường ít chọn cá tươi vì giá bán cao. Họ chọn mua cá cắt khúc, ướp sẵn gia vị, chế biến ăn liền hoặc đóng gói sẵn kèm gia vị và hướng dẫn chế biến… vì giá bán thấp, hợp lý.
Tức là xu hướng của thời kinh tế lạm phát, sản phẩm tươi, sống đang dần dần bị thay thế bằng hàng cá khô và đóng hộp. Vì thế các doanh nghiệp Việt Nam phải điều chỉnh giá bán, thêm nhiều dịch vụ cho sản phẩm để tận dụng cơ hội nhu cầu lúc này", tổng thư ký VASEP giải thích.
Trong khi đó, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá cơm khô ở Phú Yên cho hay trước đây công ty hay xuất khẩu tôm nhưng cạnh tranh không lại với các nước, thua lỗ nên chuyển sang mặt hàng cá cơm khô.
"Ban đầu, các nhà nhập khẩu cá cơm của Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan mua cá cơm khô thành phẩm về chế biến, đóng gói và gắn nhãn mác của họ để tiêu thụ, hoặc xuất qua nước thứ 3 là Mỹ.
Đầu năm đến giờ, xu hướng tiêu dùng thay đổi, quan sát thấy đơn hàng nhiều hơn vì các nước tăng chế biến đồ hộp, cá khô trong hộp. Chúng tôi tự chế biến và xuất khẩu, có lợi và mang giá trị rất cao", đại diện doanh nghiệp này nói.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2023, thủy sản đạt 3,47 tỉ USD, giảm 25,9%.
Đồng thời xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chủ lực tiếp tục giảm sâu, như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn đều giảm mạnh; giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ hơn 50%. Mặt hàng xuất khẩu giảm nhiều đứng đầu là cá tra, tôm, cá ngừ, mực, bạch tuộc…
Như một điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu thủy sản; cá khô, cá đóng hộp ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ 2022.
Số liệu từ VASEP cho thấy trong tháng 4-2023, xuất khẩu cá biển khô các loại tăng 65%, đạt gần 26 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, sản phẩm này đã thu về gần 78 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hai loại cá khô Việt Nam được ưa chuộng nhất hiện nay là cá cơm và cá chỉ vàng. Trong đó, cá cơm chiếm 66%, cá chỉ vàng chiếm 14%.
Năm thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá khô của Việt Nam là Trung Quốc, Nga, Malaysia, Hong Kong, Hàn Quốc.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online