Nhiều công ty tư vấn định cư hoạt động ngoài Canada quảng cáo họ có liên kết hoặc có đại diện là các chuyên gia tư vấn định cư Canada. Nhưng thực tế các công ty này tiếp nhận hồ sơ định cư rồi cho nhân viên tự xử lí chứ không qua tay các chuyên gia.

Bài phân tích được thực hiện bởi Alex Quynh Nguyen:

2019-07-03: trong một diễn đàn gồm đồng nghiệp là các chuyên gia tư vấn định cư Canada (RCIC) thảo luận sôi nổi về một bài báo đăng ngày 03 July 2019 tường thuật về một sự kiện đình đám ở tỉnh Saskatchewan vài năm trước (link bài báo ở cuối bài viết). Sự kiện thậm chí liên quan đến một thị trưởng tiền nhiệm ở Saskatchewan. Vì bài khá dài nên Alex Quynh Nguyen tóm tắt sơ lược cho mọi người theo dõi. Ngoài ra, do có nhiều vấn đề chuyên môn về lĩnh vực di trú nên mình cũng có phân tích giải thích để giúp những bạn không chuyên hiểu rõ hơn các vấn đề về luật di trú Canada.

Bài báo kể về trường hợp của một cặp vợ chồng người gốc Trung Quốc (Wang & Cui) cung cấp dịch vụ xin định cư ở tỉnh bang Saskatchewan, Canada. Sai phạm được mô tả bao gồm: cung cấp dịch vụ xin định cư bất hợp pháp khi bị tước quyền hành nghề, nguỵ tạo job offer & chữ kí của doanh nghiệp, trả tiền cho chủ doanh nghiệp để cấp job offer,…

Bài báo cũng đề cập nhân viên điều tra đã tìm thấy hơn 1200 tên khách hàng tìm thấy tại nhà, trong đó có 641 người có tên tìm thấy trong hệ thống di trú của chính phủ liên bang và tỉnh bang. Việc điều tra được tiến hành từ năm 2012 và quá trình xét xử vẫn đang tiến hành.

Với tư cách chuyên gia tư vấn định cư Canada (Regulated Canadian Immigration Consultant – RCIC), Alex Quynh Nguyen sẽ phân tích và đánh giá bài báo này tập trung vào hai khía cạnh: Một là những sai phạm này đã xảy ra như thế nào và hướng phòng tránh nếu có. Hai là khi một người xin định cư dính vào các sai phạm này, hậu quả có thể như thế nào.

1. Các hình thức sai phạm

1.1 Khi làm các loại hồ sơ định cư (bao gồm VISA, Study Permit, Work Permit, PR, Citizenship) thông qua một cá nhân và tổ chức không có thẩm quyền (gọi là unauthorizied representative), hồ sơ có thể bị từ chối (rejected) nếu VISA/Immigration Officers có căn cứ để nhận định hồ sơ được xử lí bởi unauthorizied representative. Hiện tại, ở nhiều tỉnh Bang chỉ có chuyên gia tư vấn định cư Canada (RCIC) hoặc luật sư Canada mới có thẩm quyền xử lí hồ sơ định cư. Tỉnh Quebec thì có Notaries. Riêng với Paralegal thì nhiều tỉnh bang giới hạn hoạt động trong luật di trú ở một số lĩnh vực. Vì mỗi tỉnh mỗi khác, Để biết thì cứ hỏi thẳng Paralegals là họ có quyền tư vấn và làm hồ sơ định cư không? Nếu họ có thể làm và hợp đồng kí kết là chính tên của họ thì có thể là hợp pháp vì những người làm về luật tại Canada sẽ ít mạo hiểm làm bậy.

Theo quy định tại Canada, để trở thành chuyên gia tư vấn định cư (RCIC) yêu cầu phải là người Canada thì mới có thể thi chứng chỉ hành nghề. Do đó điều dễ nhất để loại trừ là khi người làm hồ sơ không phải người Canada thì biết chắc họ không phải chuyên gia tư vấn định cư Canada hợp pháp. Nhưng không có nghĩa là tất cả người Canada đều có thể tư vấn và làm hồ sơ định cư. Cẩn thận hơn (nhưng cũng mất công hơn và khó hiểu hơn) thì truy cập vào danh sách các chuyên gia tư vấn định cư Canada (RCIC) thuộc ICCRC (link ở cuối bài viết). Với luật sư thì thì yêu cầu chứng minh họ là luật sư.

Làm sao để phát hiện việc này? Người làm hồ sơ nên hỏi từ đầu: Việc tư vấn và hồ sơ do người nào (cụ thể) thực hiện? Người đó có phải người có thẩm quyền đại diện để tư vấn và làm hồ sơ theo luật Canada không? Hợp đồng kí kết có thông qua chuyên gia không?

1.2 Làm giả hoặc ngụy tạo giấy tờ trong các tài liệu nộp kèm hồ sơ định cư. Bài báo mô tả nhiều lỗi ngớ ngẩn của Wang (bị cáo người Trung Quốc) dẫn đến nghi ngờ. Đơn giản nhất là việc Job Offer viết sai chính tả một hai chữ. Kế đó là việc chữ kí của chủ doanh nghiệp viết sai hoặc thiếu kí tự. Hoặc việc dùng địa chỉ email của doanh nghiệp là dạng email công cộng (Hotmail, Gmail) chứ không phải email từ tên miền doanh nghiệp. Thậm chí còn có chứng cứ lục được từ thùng rác cho thấy Wang luyện tập chữ kí giả của chủ doanh nghiệp để kí thay họ.

Nhiều người từng tìm đến hỏi Alex về việc một số công ty ở Việt Nam quảng cáo lo giúp Job Offer vì đây là điều kiện khó nhất của một số chương trình định cư. Thậm chí họ không ngại việc bỏ tiền ra để có cơ hội định cư như vậy. Nhưng làm sao để đánh giá được rủi ro và tính xác thực của Job Offer mà họ bỏ ra 50-60,000 USD mua như vậy? Ngay cả Alex khi làm hồ sơ cho khách hàng, kiểm tra Job Offer hoặc hợp đồng lao động, thư xác nhận việc làm mà còn phải đọc 5-7 lần dò cho kĩ từng điểm một xem có điểm nào khả nghi lạ lùng. Còn với người chưa từng đến Canada hay chưa thấy Job Offer của Canada như thế nào thì làm sao đánh giá mà vẫn sẵn lòng trả vài chục ngàn USD.

425 1 Luu Y Mot So Truong Hop Vo Tinh Danh Mat Co Hoi Dinh Cu Canada

Các chuyên gia tư vấn định cư sẽ hiểu luật và biết được chừng mực điều chỉnh bổ sung hồ sơ cho hợp lệ. Một số trường hợp có thể tư vấn điều chỉnh để mang về công ty kí tên đóng dấu xác nhận lại, vẫn xem như là hợp pháp. Tuy nhiên nhiều đơn vị tư vấn bất hợp pháp và thiếu hiểu biết về luật làm giả giấy tờ với suy nghĩ sẽ khó bị phát hiện nên gây thiệt hại nặng nề cho người xin định cư.

1.3 Mua Job Offer từ những chủ doanh nghiệp. Bài báo cũng mô tả việc Wang hợp tác cùng các doanh nghiệp địa phương để cấp Job Offer cho người xin định cư. Có lẽ anh Wang quá tự tin rằng không ai có thể phát hiện ra nên nhiều bằng chứng cho việc thông đồng được phát hiện, gồm có sổ lưu trữ số tiền chuyển cho chủ doanh nghiệp, email trao đổi, và cả tin nhắn voice message lưu trong hộp thư thoại. Đọc xong bài báo mình cũng từng nghĩ nếu Wang thận trọng và hiểu công nghệ & bảo mật hơn thì chưa chắc vụ việc này được điều tra ra. Về nguyên tắc, luật là dựa vào chứng cứ, nếu chứng cứ không đủ tin cậy thì không dựa vào đó để xử được và người xin định cư cũng không bị ảnh hưởng. Có nhiều người thậm chí không biết rằng Job Offer nhìn như thật và không thể thật hơn mà họ có được sẽ không thoả điều kiện của một Job Offer hợp thức để xin định cư và cũng vì thế mà thậm chí xin được định cư cũng có thể bị tước bỏ mất tư cách. Nguyên nhân đơn giản chỉ ở chỗ Job Offer đó có bằng cách không hợp lệ chứ bản chất cái Job Offer đó với cái của người nhân viên đang làm thực tế tại công ty không khác gì nhau.

2. Hậu quả khi dính vào sai phạm

Khi dính vào các sai phạm như trên, nhẹ thì hồ sơ bị từ chối (khi làm hồ sơ thông qua đơn vị không có thẩm quyền), nặng thì vi phạm vào lỗi Misrepresentation và có thể bị trục xuất khỏi Canada, cấm quay lại Canada trong 5 năm hoặc bị tước mất tư cách thường trú nhân (PR) hoặc quốc tịch Canada.

Nhiều người tìm đường sang Canada đầu tiên là nghĩ xin được Visa rồi tính. Giả sử xin được visa, lại nghĩ kế tiếp xin được định cư là an toàn. Có những trường hợp nhìn như đã trót lọt, nhưng sau nhiều năm một trường hợp vi phạm có thể dẫn đến hồ sơ của tất cả những người liên quan trong một tổ chức, doanh nghiệp bị lật lại và phát hiện sai phạm. Nhưng thực tế có những sai phạm trong quá khứ mà mãi đến sau này mới phát hiện và lúc đó không thay đổi được và có thể đánh mất tất cả.

Ví dụ: Một người mua được Job Offer tại công ty ABC. Công ty thấy trót lọt lại tiếp tục bán cho 10 người, 20 người, rồi 100 người. Càng ngày con số càng tăng vì thấy vẫn trót lọt. Thực tế là rủi ro ngày càng lớn. Chỉ cần phát hiện một người trong đó, những người từng dùng Job Offer của công ty này sẽ có thể bị lật lại hồ sơ.

LỜI KẾT

Thế nào là làm việc có tâm & đạo đức nghề nghiệp? Alex Quynh Nguyen vẫn thường thấy trên các diễn đàn mọi người đề cập việc một cá nhân nào đó làm việc có tâm vì họ nhiệt tình, thân thiện, chào đón hỏi thăm vui vẻ. Cá nhân mình nghĩ những việc đó gọi là “sự chuyên nghiệp” chứ không liên quan nhiều đến “có Tâm” và đạo đức nghề nghiệp trong các dịch vụ về luật. Nếu một đơn vị có sự chuyên nghiệp nhưng không có đạc đức nghề nghiệp thì sao? Giả sử họ nhiệt tình, thân thiện, chào đón hỏi han vui vẻ nhưng họ quảng cáo sai sự thật, che dấu làm những việc vi phạm luật Canada và đưa bạn vào những loại rủi ro ảnh hưởng to lớn đến tương lai của bạn mà bạn không hề biết rõ, bạn còn thấy họ có Tâm hay có đạo đức nghề nghiệp không? Có thể bạn vẫn thấy họ có tâm vì thậm chí bạn cũng không hề biết mình đã bị đưa vào tình huống đó.

Alex Quynh Nguyen hy vọng những giải thích trong bài viết này giúp các bạn tỉnh táo đánh giá những rủi ro có thể gặp phải trong các vấn đề về di trú Canada. Có rất nhiều việc tinh vi mà cả chuyên gia cũng phải đau đầu nghiền ngẫm phân tích. Đừng vì thấy các con đường hợp pháp mất thời gian & khó khăn mà bỏ cả đống tiền ra mua “của nợ” có thể hại mình bất cứ lúc nào. Những người cung cấp dịch vụ bất hợp pháp sẽ không bị ràng buộc mà kiếm tiền của bạn còn những người hoạt động tư vấn hợp pháp sẽ bị ràng buộc bởi hội đồng quản lí ICCRC và luật pháp Canada để bảo đảm việc tư vấn chính xác và đúng đắn, hợp pháp.

Alex Quynh Nguyen.

 


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài


Deprecated: htmlspecialchars(): Passing null to parameter #1 ($string) of type string is deprecated in /var/www/vhosts/tapchicanada.com/httpdocs/modules/mod_search/mod_search.php on line 44