Tôi đã có PR Canada sau 6 tuần đặt chân đến đất nước này.

Một- Lời mời của kẻ đã vượt biển trót lọt

Nếu bạn đang xấp xỉ 30 tuổi, có bằng thạc sĩ của bất cứ quốc gia nào, tiếng Anh tốt, kinh nghiệm làm việc 3 năm trong một vị trí thuộc danh sách ngành nghề của Canada, không có tiền án và có khoảng 12,500 đô Canada trong tài khoản thì rất có khả năng bạn sẽ bay đến Canada trong vòng một năm kể từ ngày chính thức nộp hồ sơ.

Và trong vòng 6 đến 8 tuần sau khi đáp xuống lãnh thổ Canada, thẻ PR (Permanent Resident card) sẽ được gửi về địa chỉ của bạn ở quốc gia này. Điều ngầu hơn nữa là khi ở đủ 3 trong vòng 5 năm, có điền bảng khai thuế và không phạm tội (hoặc có gây án mà không bị bắt) thì bạn còn có thể thi quốc tịch nữa.

Nghe đơn giản quá phải không? Mà sau khi tôi đã làm ăn trót lọt, tôi cảm thấy thật tình là nó đơn giản như vậy. Tôi đã hoàn toàn không gặp rắc rối gì, trừ việc Police certiticate của Úc cấp (tương tự Lý lịch Tư pháp của Việt Nam) đã bị thất lạc trên đường về và việc chuyển tiền sang tài khoản Canada có gặp một chút khó khăn. Ngoài hai việc đó, mọi thứ còn lại cứ trơn như đậu hủ nước dừa, thậm chí là những cột mốc mà tôi dự tính cho cả quá trình cũng chỉ xê xích với thực tế có vài ngày.

425 1 Toi Da Co Pr Canada Sau 6 Tuan Dat Chan Den Dat Nuoc Nay

Nguồn ảnh: Facebook Nhu An Nguyen

Canada đã xác định sẽ thu hút 1 triệu người nhập cư trong vòng 3 năm từ 2018-2020 và dự định sẽ thu hút thêm 350,000 người nữa vào năm 2021 (xem thêm https://www.cicnews.com/…/canadas-goal-of-1-million-new-per…). Dựa vào thực tế Donald Trump lên ngôi và siết chặt chính sách nhập cư của Mĩ (đi du học mà về nước nửa chừng còn lạng quạng phỏng vấn lại rớt, phải bỏ học), và định cư Úc diện tay nghề ngày càng đòi hỏi cao và thay đổi xoành xạch thì Canada đang quá ư hoan nghênh và có phần dễ dãi.

Hai-Tiêu chuẩn nào là đủ?

Chắc bạn đang háo hức và thắc mắc tiêu chuẩn bao nhiêu thì là đủ.

Bạn có thể vào trang tự đánh giá như này

https://www.canada.ca/en/immigration-refugees-citizenship/services/come-canada-tool-immigration-express-entry.html

Hoặc xem bảng chấm điểm chi tiết như này

https://www.canada.ca/en/immigration-refugees-citizenship/services/immigrate-canada/express-entry/eligibility/criteria-comprehensive-ranking-system/grid.html

Còn nếu lười quá, thì tôi có thể giải thích một chút ở đây.

 

Bạn cần chú ý là người có vợ/chồng đi theo sẽ tính thang hơi khác một chút và cũng không thiệt thòi gì giữa người độc thân và người có vợ/chồng đi kèm. Ở đây tôi trích ra cách tính điểm dành cho người độc thân:

– Tuổi: 20-28 tuổi được điểm cao nhất là 110, mỗi năm qua đi lại mất 5-6 điểm, tới 45 tuổi là dẹp, không được cộng điểm nào nữa.

– Tiếng Anh: Bạn cần đạt CLB (Canadian Language Benchmark) thang 9 cho mỗi kĩ năng, tức là tương đương IELTS (GENERAL TRAINING) Listening 8, Reading 7, Writing 7 và Speaking 7. Điểm maximum cho tiếng Anh là 136 (nhiêu đây đã gần 1/3 tổng số điểm cần thiết để có khả năng đậu).

Các bạn lưu ý là nộp định cư thì phải thi GENERAL TRAINING, Academic Training chỉ duy nhất dành cho việc học và không có cách nào chuyển điểm từ Academic sang General.

Nếu bạn không đạt thang trên, thì cũng cần ít nhất CLB 7 (tương đương IELTS 6 đều cho mỗi kĩ năng) VÀ cần điểm bù thêm từ

(1) Bằng cấp của Canada (sau trung học, cộng 15-30 điểm) (2) Kinh nghiệm làm việc ở Canada (cao nhất cộng 80 điểm) (3) Job offer từ công ty của Canada ( cộng 50 hoặc 200 điểm, tùy ngành) (4) Có anh/chị/em ở Canada (cộng 15 điểm) (5) Có chứng chỉ tiếng Pháp

và/hoặc (6) Được một tỉnh của Canada đề cử (cộng 600 điểm, có này đủ đậu, không nói nhiều, nhưng tôi không có kinh nghiệm cho vụ này)

– Bằng cấp: Bằng Thạc sĩ được 135 điểm, Tiến sĩ 150 điểm. Nếu kèm tiếng Anh đạt CLB 9 thì được thêm 50 điểm cho mục Skill Transferability Factors.

– Kinh nghiệm làm việc: kinh nghiệm 3 năm ở bất cứ đâu ngoài Canada không được điểm nào, nhưng nếu kèm CLB 9 thì cũng được thêm 50 điểm nữa cho mục Skill Transferability Factors.

Nếu tổng cộng được khoảng 450 điểm, cơ hội của bạn là khá khả quan.

Tổng số điểm của tôi là 470, chi tiết như trong hình. Tôi nộp lúc 31 tuổi, được 99 điểm.

Tôi làm việc 7 năm trong vị trí giảng viên của trường Việt Nam, ngành nghề thuộc bảng A, mã NOC 4011 (NOC= National Occupational Classification). Tôi có bằng Master, được 135 điểm.

Tôi đạt nhỉnh hơn CLB 9 (IELTS Listening 8.5, Reading 9, Writing 8, Speaking 7.5), hưởng trọn 136 điểm tiếng Anh và được cộng thêm 100 điểm cho hai phần Skill Transferability Factors.

(Viết tới đây tôi nhận ra đa số giảng viên trẻ ở các trường quốc tế ở Việt Nam đều có thể ùn ùn kéo nhau sang đây)

 

Ba- Ngành nào thì đi diện Federal Skilled Worker của Express Entry được?

NOC (National Occupational Classification) có nhiều mục, nhưng đi riêng diện Federeal Skilled Workers thì có các bảng sau:

-Bảng 0 (zero) (Skill Level 0_Management jobs) cho các vị trí quản lí, ví dụ như quản lý nhà hàng, quặng mỏ, tàu đánh cá.

-Bảng A (Skill Level A_Professional jobs), tức là các ngành nghề cần có một bằng cấp đại học thuộc chuyên môn nào đó để làm việc, ví dụ như bác sĩ, nha sĩ, kiến trúc sư.

-Bảng B (Skill Level B_Technical jobs and trades) gồm các công việc kĩ thuật và thương mại đòi hỏi bằng cao đẳng (college diploma, thường dài 2 năm) hoặc bằng nghề (training as an apprentice), ví dụ như đầu bếp, thợ điện, thợ sửa ống nước. Nhóm này cũng cần bằng cấp rõ ràng để được kiểm định là tương đương với bằng cấp trong hệ thống giáo dục của Canada.

Bốn – Tốn bao nhiêu tiền là vừa?

Nói thiệt, tôi đã tự mình làm tất cả hồ sơ mà không cần agency hoặc luật sư nào tư vấn, chỉ là có lúc cần phải hỏi các bạn đi trước, và các bạn ấy đã rất sẵn lòng trả lời (mà không thu phí gì cả). Tôi biết nếu để một agency chen vào, thì chỉ riêng việc xem sơ qua bạn có đủ tiêu chuẩn (eligibility) không đã có thể tốn 750 đô Mĩ, vòng cuối là hoàn thiện hồ sơ thì có thể tốn 3,000$, và các phần giữa giữa khác nữa. Tất cả khoản phí mà tôi đã tốn, bao gồm phí duyệt hồ sơ express entry, phí PR, phí thi IELTS một lần, kiểm định bằng cấp, yêu cầu trường bên Úc gửi bảng điểm, xin Police check và các phí dịch thuật, công chứng khác là 35 triệu. Tôi thấy hoàn toàn không đáng nếu cần có thêm một vị luật sư cho những thủ tục khá đơn giản này. Bạn chỉ cần một người đi trước hướng dẫn một chút, và nếu bản chất profile của bạn OK, thì mọi chuyện sẽ dễ dàng thôi.

✈️ Năm – Đi hay không đi, không đi hay đi?

Tôi nghĩ bạn nên nghiêm túc xem xét cơ hội này. Tất nhiên Canada chẳng phải thiên đường, nhưng ít ra đó là một quốc gia phát triển, thuộc nhóm G7 và có ba thành phố trong danh sách “Các thành phố đáng sống nhất thế giới năm 2018” là Calgary, Vancouver và Toronto (bên cạnh ba thành phố khác của Úc và Vienna, Osaka, Tokyo và Copenhagen, xem thêm https://edition.cnn.com/travel/article/worlds-most-liveable-cities-2018/index.html). Sau một tháng đi loanh quanh vài thành phố của Canada trong cái lạnh cắt da của mùa đông, tôi thấy nơi này cũng không tệ (hoặc chưa tệ) để gửi gắm tuổi trẻ và tấm thân khi về già. Nếu bạn có hứng thú và có thắc mắc, tôi vui lòng giải đáp cho riêng chương trình Federal Skilled Worker thuộc hệ thống Express Entry. Bạn có thể nhắn qua Messenger hoặc email [email protected] để hỏi hoặc để hẹn gọi điện.

Khi nào bạn nhận được ITA (Invitation to Apply) của chính phủ Canada, và khi toàn bộ hồ sơ của bạn trót lọt (tức là lúc bạn được Bộ di trú Canada gửi mail bảo nộp hộ chiếu để dán visa vào, có thể diễn ra thần tốc trong vòng 2 tháng hoặc một năm), bạn có thể trả cho tôi bao nhiêu cũng được, tùy tấm lòng hảo tâm dành cho một kẻ đang cần giữ cho đầu óc bận rộn. Và nếu bạn trót lọt hết mọi thủ tục và lẳng lặng lỉnh sang Canada, thì tôi cũng chẳng tài nào mà biết được.

Nhưng tôi tin những người được chính phủ Canada đánh giá cao về quá khứ và tiềm năng thì không thể nào tệ như thế được. Tôi hi vọng suy nghĩ của mình là đúng.

Danh mục xem thêm

1) How the express entry works

https://www.canada.ca/en/immigration-refugees-citizenship/services/immigrate-canada/express-entry/works.html

2) Federal Skilled Worker Program (Cái tui biết để chỉ nè)

https://www.canada.ca/en/immigration-refugees-citizenship/services/immigrate-canada/express-entry/eligibility/federal-skilled-workers.html

3) Check your eligibility

https://www.canada.ca/en/immigration-refugees-citizenship/services/come-canada-tool-immigration-express-entry.html

4) Bảng Top những ngành nhận được thư mời (ITA=Invitation to Apply) qua Express Entry trong năm 2018 (hình). Ngoài những ngành này vẫn có cơ hội nhe.

Canada’s goal of 1 million new permanent residents turning heads worldwide

Nhu An Nguyen

 

 


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài


Deprecated: htmlspecialchars(): Passing null to parameter #1 ($string) of type string is deprecated in /var/www/vhosts/tapchicanada.com/httpdocs/modules/mod_search/mod_search.php on line 44