"Động thái của Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc phản ánh quyết tâm chung trong việc đối phó những hoạt động bất hợp pháp và gây bất ổn của Triều Tiên", Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách vấn đề chủ nghĩa khủng bố và tình báo tài chính Brian Nelson nói ngày 30/11.
Bộ Tài chính Mỹ thông báo Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) đã bổ sung nhóm tin tặc Kimsuky cùng 8 "đặc vụ Triều Tiên ở nước ngoài" vào danh sách trừng phạt. Mỹ sẽ đóng băng tài sản tại Mỹ của các cá nhân, tổ chức này và cấm công dân Mỹ làm ăn với họ.
Mỹ cho rằng nhóm Kimsuky đã thực hiện lừa đảo trực tuyến nhằm vào nhân viên các chính phủ, trung tâm nghiên cứu, viện hàn lâm để thu thập thông tin hỗ trợ cho chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. 8 "đặc vụ ở nước ngoài" bị cáo buộc giúp Triều Tiên né những lệnh trừng phạt đang áp lên Bình Nhưỡng.
Tên lửa đẩy mang vệ tinh của Triều Tiên được phóng từ bãi phóng ở Tongchang-ri, huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan ngày 21/11. Ảnh: KCNA
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 1/12 thông báo đưa 11 công dân Triều Tiên vào danh sách đen, trong đó có một số quan chức Cơ quan Công nghệ Hàng không Quốc gia Triều Tiên (NATA). NATA là đơn vị phụ trách dự án chế tạo và phóng vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1.
Lệnh trừng phạt sẽ được triển khai theo luật về giao dịch ngoại hối và cấm tài trợ chủ nghĩa khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của Hàn Quốc. Các cá nhân muốn giao dịch với người có tên trong danh sách cần được giới chức tài chính Hàn Quốc chấp thuận.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cùng ngày thông báo bổ sung 4 tổ chức, trong đó có Kimsuky, và 5 cá nhân liên quan vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên vào danh sách trừng phạt. Bộ Ngoại giao Australia áp trừng phạt tài chính và cấm đi lại với 7 cá nhân và một thực thể.
Đây là lần đầu tiên Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng lúc áp lệnh trừng phạt với Triều Tiên. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc từng đồng thời trừng phạt Triều Tiên hồi tháng 9 và tháng 12/2022.
Giới chức Triều Tiên chưa bình luận về những động thái trên.
Triều Tiên phóng thành công vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1 lên quỹ đạo đêm 21/11. Sau vụ phóng, truyền thông nước này đưa tin lãnh đạo Kim Jong-un đã xem ảnh do vệ tinh chuyển về, trong đó có ảnh chụp căn cứ quân sự Mỹ ở Guam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.
Hàn Quốc cho rằng chưa thể đánh giá năng lực của vệ tinh Malligyong-1, do Bình Nhưỡng chưa công bố hình ảnh nào. Lầu Năm Góc nói Mỹ biết vệ tinh Triều Tiên đã đi vào quỹ đạo, nhưng không bình luận về những hình ảnh mà Bình Nhưỡng tuyên bố đã chụp.
Như Tâm (Theo Reuters, Yonhap)
Nguồn: VNEXPRESS.NET